Ngày 25/10, tại thành phố Đà Nẵng có mưa to trên diện rộng, lượng mưa từ 9-11 giờ phổ biến từ 30-70 mm.
Chiều 25/10, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ thông tin, mô hình độ ẩm đất cho thấy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt trạng thái bão hòa và gần bão hòa, từ 85-95%. Dự báo, từ chiều 25/10 đến ngày 26/10, tại thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Tổng lượng mưa tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phổ biến từ 60-100mm, có nơi trên 150mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phổ biến 80-150mm, có nơi trên 180mm; tại quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu từ 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Từ chiều tối 26/10, tại thành phố Đà Nẵng, mưa giảm. Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra ngập úng ở vùng thấp trũng.
Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc. Cụ thể, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang); nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các xã Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Tiến thuộc huyện Hòa Vang.
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 25/10, mưa lớn gây ngập cục bộ khoảng 10-20cm tại một số tuyến đường trung tâm quận Hải Châu như Trần Phú, Hùng Vương, Hàm Nghi… Bên cạnh đó, một số tuyến đường tại khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và vùng trũng thấp thuộc xã Hòa Ninh, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) xuất hiện ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã có Công điện số 14/CĐ-PCTT ngày 25/10 về triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ trên các sông tại thành phố.
Theo đó, UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát khu dân cư ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét (đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven suối, sông Yên, sông Túy Loan, sông Cu Đê…) sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân; tổ chức chốt chặn tại tuyến đường ngập sâu; nghiêm cấm người dân và phương tiện đi qua khu vực trũng thấp, ngập lũ, có nguy cơ cao…
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị, Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước, đảm bảo an toàn tại các công trình đang thi công.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa Hòa Trung và Đồng Nghệ. Sở Giao thông Vận tải triển khai công tác phòng chống, ứng phó với sạt lở, ngập lụt, đảm bảo an toàn tại tuyến giao thông chính, hầm chui theo phân cấp quản lý.
- Đà Nẵng khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở sau trận mưa lũ lịch sử
- Đà Nẵng khẩn trương khắc phục thiệt hại sau trận ngập lụt lịch sử
Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp... theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lớn, ngập, lũ để quyết định kịp thời, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, nhất là các vùng ngập lũ.
Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ ngày 25-27/10, trên sông Vu Gia và các sông tại thành phố Đà Nẵng có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 đến trên báo động 2, đỉnh lũ tại các sông khác có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 1.
Thảo Nhi (tổng hợp)
Tags