(Thethaovanhoa.vn) - Bầu trời ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên nguy hiểm hơn trong ngày 24/11/2015, sau khi chính quyền Ankara tuyên bố các máy bay F-16 của nước này đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của Nga.
- VIDEO: Phi công SU-24 Nga bị xả súng bắn chết trước khi tiếp đất?
- Tổng thống Putin tuyên bố, nước Nga bị đâm từ sau lưng
- NÍN THỞ: Phi công Su-24 Nga còn sống sót đang bị ráo riết truy lùng
- CẬP NHẬT vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga: 2 phi công Nga bị bắn chết. Ông Putin cảnh báo về 'những hậu quả nghiêm trọng'
Phía Nga cũng nhanh chóng xác nhận việc bị mất một chiếc máy bay cường kích Su-24. Hai phi công được xác nhận đã nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay gặp nạn. Một người rơi vào tay các chiến binh chống đối ở Syria với thái độ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Người còn lại dường như đã thiệt mạng, theo tin từ Reuters.
Khả năng ảnh hưởng tới tình hình Trung Đông
Không ngạc nhiên khi Nga có những phản ứng hết sức giận dữ trước sự kiện. Nhiều nghị sĩ Nga đã kêu gọi chính phủ nước này cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho quan hệ Moskva - Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều máy bay F-16 bắn hạ chiếc Su-24 của Nga
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định máy bay Nga đã xâm phạm lãnh thổ và nước này đã phát tín hiệu cảnh báo tới 10 lần.
Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm nhất lúc này là liệu sự kiện mang tới tác động gì và có thể leo thang tới cỡ nào?
Các chuyên gia nói rằng vụ bắn rơi chiếc Su-24 chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình ở Trung Đông. Nó diễn ra vào thời điểm rất không phù hợp, ngay sau các vụ khủng bố Paris, khi Mỹ và đồng minh phương Tây mới đạt được sự nhất trí về tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Hồi giáo Sunni ở Trung Đông, vốn chống quyết liệt chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đã không hài lòng trước viễn cảnh một thỏa thuận sẽ được thông qua, trong đó ông Assad tiếp tục nắm quyền. Họ không chấp nhận, kể cả khi ông Assad chỉ nắm quyền tạm thời.
Về phần mình, Iran và Nga đều chưa muốn vội vã tiến hành chuyển quyền ở Syria. Hai nước nói rằng ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là tiêu diệt IS. Điều đáng lưu ý là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đồng tình với quan điểm này. Sau các vụ khủng bố Paris, Pháp đã nhanh chóng hành động chống IS, còn NATO chấp nhận ưu tiên hiện nay là triệt hạ IS.
Nhưng nay, không thể loại trừ khả năng sự đồng thuận này sẽ mất đi sau vụ bắn rơi chiếc Su-24.
Ít có khả năng xảy ra chiến tranh
Cần biết rằng trong khi việc bắn hạ máy bay chiến đấu của một quốc gia khác bị xem là hành động gây chiến, các sự kiện như thế này ít khi dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn. Lần cuối cùng một thành viên NATO bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu Liên Xô là vào năm 1953.
Hình ảnh chiếc Su-24 của Nga bốc cháy và rơi sau khi trúng tên lửa
Khi ấy, một chiếc MiG-15 của Liên Xô bị quân đội Mỹ bắn hạ, trong khuôn khổ chiến tranh Triều Tiên. Đổi lại, rất nhiều máy bay của NATO cũng bị bắn hạ, tại cuộc chiến ấy.
Thời hiện đại, viễn cảnh máy bay Nga và NATO bắn vào nhau lại xuất hiện trong cuộc chiến ở Nam Tư cũ, hồi những năm 1990. Lúc đó, cả đôi bên đều đưa máy bay tới hoạt động trên bầu trời Nam Tư. Nhưng may mắn là không có chuyện tồi tệ nào xảy ra.
Khi Nga bắt đầu hoạt động không kích ở Syria từ tháng 8/2015, đã có những lời kêu gọi rằng cần duy trì một khoảng không an toàn, để các máy bay không và có người lái của Nga cùng NATO dễ dàng hoạt động cạnh nhau. Tuy nhiên, sang đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã lên tiếng "bày tỏ quan ngại" về việc máy bay Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Nga đáp trả lại rằng bất kỳ sự vi phạm nào vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là tai nạn và sẽ được ngăn chặn trong tương lai. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể bắn hạ máy bay Nga. Và nay lời cảnh báo đã trở thành hiện thực.
Trong bối cảnh dư luận Nga đang sôi sục trước vụ bắn rơi chiếc Su-24, giới quan sát vẫn tin rằng chính quyền nước này cùng phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn làm căng thẳng leo thang.
Các tay súng phiến loạn ở Syria đã công bố hình ảnh này, nói rằng đây là thi thể của một phi công điều khiển chiếc Su-24 bị bắn rơi
Tuy nhiên việc này sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của hai phi công điều khiển chiếc Su-24 bị bắn rơi. Nếu họ được trao trả lại cho phía Nga, công chúng Nga có thể tha thứ và vụ việc được xử lý êm xuôi. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ không trao trả các phi công, câu chuyện sẽ rất khó khăn cho cả giới lãnh đạo nước này lẫn Nga.Tuy nhiên, có nhiều nguồn tin cho rằng các phi công Nga đã chết khi tiếp đất.
Sau vụ chiếc Su-24 bị bắn rơi, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nikolai Levichev tuyên bố đầy phẫn nộ: "Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố, sào huyệt của chúng là khu vực lãnh thổ Syria do IS chiếm đóng, Thổ Nhĩ Kỳ lại biểu lộ sự đoàn kết với những kẻ khủng bố và bắn hạ máy bay của chúng ta trên lãnh thổ Syria. Hành động gây hấn này có thể so với cuộc tấn công vào chiếc máy bay Nga trên bầu trời (bán đảo) Sinai". |
Gia Bảo (Tổng hợp)
Tags