08/12/2015 07:04 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1854, khi rửa tội cho con trai thứ hai nhà Wilde, Đức cha Prideaux Fox không hề biết rằng cậu bé này rồi sẽ là “thiên tài bất thường” của Ireland. Về sau, Oscar Wilde đã trở thành một trong những nhân vật đặc biệt nổi bật của giới văn chương, người luôn ở giữa tôn vinh và hạ nhục, giữa cái đẹp và sự tăm tối, giữa sa hoa và khốn cùng.
Oscar chào đời ngày 16/10/1854 tại 21 Westland Row, thành phố Dublin, Ireland.Sinh ra trong nhung lụa
Ông là con thứ hai trong một gia đình trí thức danh giá. Cha ông, William Wilde, được phong tước Hiệp sĩ vào năm 1864, nhờ những đóng góp lớn lao trong y học cũng như từ thiện. Mẹ ông, bà Jane Wilde, là nhà thơ theo chủ nghĩa dân tộc, nhà đấu tranh nữ quyền nổi tiếng của Ireland.
Cậu bé Oscar được truyền tình yêu văn chương, mỹ thuật và tinh thần phản kháng từ mẹ đẻ. Nhưng có lẽ ông cũng chịu luôn ảnh hưởng xấu từ lối sống buông thả của bố đẻ. Ông Wilde từng gây ầm ĩ trong giới trí thức Ireland, khi một cô gái trẻ, bệnh nhân của ông đồng thời là con một đồng nghiệp, tố cáo vị bác sĩ đã tìm cách dụ dỗ mình quan hệ tình cảm.
Thời thơ ấu của Oscar được bao bọc trong nhung lụa và ông hưởng nền giáo dục tốt nhất của giới quý tộc. Oscar học tại nhà tới năm 9 tuổi, do một gia sư người Đức chỉ bảo và được một bà vú người Pháp chăm sóc. Do đó, từ nhỏ, Oscar đã thông thạo nhiều thứ tiếng và có sự hiểu biết rộng về các nền văn hóa khác nhau.
Khi đi học tại trường, Oscar luôn nổi tiếng với tài năng hiếm có. Ông thường đứng đầu khóa, giành được nhiều học bổng và huy chương cao quý. Tuy nhiên, giống như cha đẻ, Oscar cũng là tâm điểm của những tranh cãi và bê bối nghiêm trọng thời đó.
Chân dung Dorian Gray
Cụ thể, khi theo học ở trường Magdalen, Wilde trở thành huyền thoại vì tầm hiểu biết rộng, quan điểm mỹ học và... lối sống suy đồi. Là người tiên phong trong triết lý nghệ thuật vị nghệ thuật, ông coi cái đẹp tinh tế rung động lòng người là thứ duy nhất có giá trị và nghệ thuật không phải để truyền tải thông điệp về đạo đức hay những điều ủy mị.
Không chỉ trong văn chương, phong cách sống của Wilde cũng mang nhiều tính mỹ học. Với mái tóc dài bồng bềnh, phong cách ăn mặc trau chuốt và lối trang trí phòng cầu kỳ, chân dung Oscar Wilde phần nào giống với Chân dung Dorian Gray – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng (và cực kỳ tai tiếng) của ông.
Cũng như Gray, Oscar Wilde không ngần ngại “khuất phục”, cám dỗ và còn dẫn dụ người khác vào con đường hưởng lạc. Chính trong thời gian đi học, Oscar nhận ra mình là người đồng tính. Sau đó, mặc dù che giấu bằng hôn nhân và con cái, nhưng giới tính thật của Oscar vẫn dần được bộc lộ trong những tác phẩm của mình. Cuối cùng, ông công khai là người đồng tính, sống trác táng cùng nhiều người tình là trai trẻ.
Nếu đây là ở Pháp hay Mỹ, lối sống của Oscar có thể là “mốt” nhưng rất tiếc ông lại ở Anh, dưới thời Nữ hoàng Victoria - một triều đại bảo thủ - trong đó quan hệ đồng giới bị xem là tội ác còn nghiêm trọng hơn cả giết người. Không ngạc nhiên khi Oscar nhanh chóng gặp rắc rối.
Đỉnh điểm là việc ông bị hầu tước Queensberry, cha của người tình Alfred Douglas, đâm đơn kiện. Hầu tước Queensberry không ngần ngại gọi Oscar Wilde là “kẻ bệnh hoạn” và đã thuê một luật sư rất giỏi, khiến ông thành kẻ “thân bại danh liệt”.
Những biện hộ mỹ học về tình yêu đồng giới trong các bài thơ của Shakespeare và Michelangelo đã không cứu được Oscar. Ông bị kết án 2 năm tù khổ sai theo đạo luật chống đồng tính luyến ái ra đời năm 1885.
Năm 1897, Oscar ra tù và sống trong cô đơn, nghèo túng, kèm theo căn bệnh viêm tai giữa, dần chuyển thành bệnh viêm màng não, đã cướp đi mạng sống của ông trong ngày 30/11/1900. Khi ấy ông mới 46 tuổi.
Cái chết của Oscar như một sự trớ trêu của tạo hóa, bởi cha ông vốn là bác sĩ phẫu thuật tai lừng danh của Ireland, người mà nếu còn sống chắc sẽ cứu được con trai mình.
Hướng dương và loa kèn
Nhà tù lấy đi của Oscar vinh quang và tình thân, nhưng thời gian đã trả lại đúng giá trị mà ông xứng đáng nhận được. Mộ của ông giờ trở thành một biểu tượng như ban công của nàng Juliet, được phủ kín những vết son môi. Vào những ngày kỷ niệm, người hâm mộ văn chương mang tới đây đầy những hướng dương và loa kèn, những loài hoa mà ông thích, vốn tượng trưng cho “lòng kiêu hãnh” và “sự say đắm”.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Oscar Wilde chỉ để lại 1 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 4 tập thơ, 10 vở kịch, một số tiểu luận và bài viết. Số lượng không nhiều nhưng đều có giá trị lớn. Điểm đầu tiên dễ nhận ra nhất ở các tác phẩm của Wilde là tính mỹ học.
Câu từ của ông cầu kì theo phong cách của Shakespeare, kết hợp với lối chơi chữ, giàu hình tượng, và mang tính dân gian (ảnh hưởng từ cha mẹ). Mặc dù không đề cao đạo đức nhưng sáng tác của Wilde đều đầy ắp những triết lý sâu sắc.
Ngay cả trong những truyện cổ tích, ông vẫn đưa vào đó tầng tầng lớp lớp tư tưởng triết học, đẩy các sáng tác cho trẻ nhỏ lên tầm cao nghệ thuật. Trong tiểu thuyết và những vở kịch, trí tuệ uyên bác của Oscar Wilde thể hiện ngay trong những lời thoại đời thường nhất của nhân vật.
Không ngại vấn đề đạo đức nên Oscar lục lọi và soi rọi ngay cả những mảng tối tăm nhất trong diễn biến tâm lý con người. Những điều cấm kị trong xã hội cũng bị ông đưa lên “bàn mổ”. Cũng giống như cuộc đời của nhà văn, tác phẩm của ông vẽ nên hai mặt đối lập trong cùng một thực tại, đưa đến những cái kết bất ngờ.
Khi đọc Oscar Wilde, chính người đọc cũng bị cuốn vào những dao động của nhân vật. Ông “bắt” người đọc trực diện với những điều mà họ muốn lảng tránh. Chẳng thế mà tòa thánh Vatican, nơi từng nguyền rủa Oscar là kẻ đồng tính trụy lạc, cũng trích dẫn lời ông trong sách dành cho tín đồ Thiên Chúa giáo.
Và như thế, Oscar Wilde đã biến văn chương thành thánh đường của cái đẹp, nơi triết lý, nghệ thuật viết nở rộ, còn những giả tạo màu mè khoác áo đạo đức sẽ quỵ lụy cầu xin tha thứ.
Với trí tuệ uyên bác cùng lối viết độc đáo, cầu kì, Oscar Wilde đã sớm có mặt tại Việt Nam qua những truyện cổ tích và tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray. Đầu tháng 12 này, tuyển tập Tội ác của Huân tước Arthur Savile và các truyện ngắn khác của Wilde cũng mới được dịch và phát hành. |
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất