Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản

Thứ Hai, 06/01/2025 17:00 GMT+7

Google News

Là sự kiện nối dài chuỗi dự án Chạm đình trong phố do nghệ sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn khởi xướng, Tơ óng - màu cây: Đường thêu, nét nhuộm xưa - nay được tổ chức tại đình Tú Thị (số 2 Yên Thái, Hà Nội) nhằm bảo tồn và phát huy di sản thêu tơ tằm nhuộm tự nhiên.

Từ nay đến hết ngày 19/1, công chúng đến với sự kiện, sẽ được tham quan triển lãm với những bức tranh thêu cổ từ thời Đông Dương, tranh thêu mới được thực hiện bằng kỹ thuật cổ truyền, cùng những cuộn chỉ óng màu tự nhiên. Đồng thời, được giao lưu và chiêm ngưỡng nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm thực hành nghệ thuật.

Từ kết nối với tổ nghề

Việc kết hợp triển lãm và hoạt động mở xưởng của nghệ sĩ đã ghi thêm một dấu ấn độc đáo trong dự án Chuyện đình trong phố. Được biết, trước đó những triển lãm nằm trong dự án thường chỉ trưng bày, sắp đặt hiện vật, tác phẩm nghệ thuật đã được hoàn thiện sẵn. Theo chia sẻ của chị Trâm, chính việc đón tiếp những du khách lui tới cũng tạo cho chị cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, điểm thêm bức tranh thêu đang dang dở của mình.

Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm thực hành nghệ thuật tại triển lãm "Tơ óng - màu cây: Đường thêu, nét nhuộm xưa - nay"

Đình Tú Thị là di tích đầu tiên mà chị Trâm tới lưu trú và sáng tạo nghệ thuật. Lựa chọn nơi đây là bởi đình thờ Lê Công Hành (1606 - 1661), được xem là ông tổ nghề thêu ở nước ta. Trong không gian linh thiêng này, chị như tìm thấy cảm giác được giao tiếp về mặt tâm thức với tiền nhân về nghề thêu.

Dù được đào tạo bài bản tại môi trường giáo dục nghệ thuật hàng đầu Việt Nam và Pháp, song chị Trâm đến đây với tâm thế khiêm tốn, cầu thị. Chị coi mình như một người học trò nhỏ của Lê Công Hành. Bởi chị thấy mình như được kết nối với ông qua lời chia sẻ của thủ từ đình Tú Thị về những câu chuyện gắn với ông. Tương truyền, sinh thời, có lần trong lúc đi sứ nhà Minh, ông đã tháo bức nghi môn ra để xem cách thêu. Từ đó, mà ông đã học được nghề thêu để sau này về truyền lại cho dân ta.

Cũng bằng cách tương tự, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm cũng đã học và phục dựng lại được những kỹ thuật thêu từ thời Đông Dương đến nay đã mai một đi nhiều. Chị chia sẻ, bản thân đã sưu tầm một số bức thêu cổ bị rách vì nó phù hợp với điều kiện của chị, đồng thời, cho chị nhìn được cả mặt trước và mặt sau của bức tranh. Từ đó, biết bức tranh được tạo nên bằng cách nào.

Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản - Ảnh 2.

Bức tranh thêu được Phạm Ngọc Trâm thực hiện từ chỉ thêu tự nhiên do chị nhuộm màu

Xuất phát điểm của Phạm Ngọc Trâm không phải đến từ làng nghề thêu nào, mà niềm đam mê với nghệ thuật thêu đã gieo vào lòng chị từ thuở 4 - 5 tuổi. Khi đó, chị được bà, mẹ, các bác gái dạy thêu thùa như một môn nữ công gia chánh. Sau đó, lớn hơn, chị tham gia vào các lớp học thêu do hội phụ nữ tại địa phương tổ chức. Sau này có cơ hội đi đến nhiều nơi ở trong nước và trên thế giới, chị Trâm đều chú ý quan sát, ngồi bên cạnh những nghệ nhân và học hỏi.

Không phải nghệ nhân làng nghề, bản thân chị không thể khái quát được hết những kỹ thuật thêu đặc sắc ở các làng nghề trong nước. Nên Phạm Ngọc Trâm cũng không dám nhận phong cách thêu của mình có điểm gì đặc sắc so với các làng nghề. Tuy nhiên, điều mà chị có thể chắc chắn, đó là chị đến với thêu theo hướng tiếp cận di sản.

Chị không đặt nặng vấn đề hoàn thiện một bức trong thời gian bao lâu. Mà quan trọng, bức thêu được thực hiện bằng chất liệu gì, tạo ra hiệu ứng bắt mắt như thế nào. Chính vì điều đó, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chị luôn ghi chép lại tỉ mỉ những công đoạn thực hiện. Đầu ra của làng nghề là sản phẩm. Còn đầu ra với chị Trâm là những kỹ thuật thêu đặc biệt, những khảo cứu sâu sắc về di sản, lịch sử nghề thêu. Đó cũng là tiền đề để chị thực hiện công trình khoa học của mình về nghề thêu, và có thể lưu lại cho những người chung niềm đam mê giống chị.

Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản - Ảnh 3.

Tranh thêu phong cảnh làng quê Việt Nam từ thời Đông Dương được Phạm Ngọc Trâm sưu tầm

Đến việc tự nhuộm chỉ, pha màu

Trong quá trình sờ tận tay, xem tận mắt những bức tranh thêu cổ, thứ đầu tiên gây ấn tượng cho chị Trâm là vật liệu bản địa. Đó là tơ, cách xử lý sợi tơ rất có hồn Việt.

Đến khi bắt tay vào thực hành, chị ưu tiên sử dụng chỉ tơ tằm được làm ở các làng nghề Việt Nam. Chính tay chị Trâm ngâm, nhuộm từng cuộn chỉ một.

Đến thăm không gian sáng tạo của chị Trâm trong những ngày đầu khai mạc, nhiều cụ cao niên, nghệ nhân thâm niên, trong đó có nghệ nhân Vũ Thanh Luân (Ninh Bình) đều thốt lên, đây là màu cây, hoặc màu sắc êm mắt quá.

Chị bật mí, tùy vào sắc thái đậm nhạt khác nhau của từng màu sắc, mà lựa chọn các nguyên liệu khác nhau. Như màu đỏ được lấy từ gỗ vang, cánh kiến, màu vàng đến từ chi tử, hoàng đằng, hoa mật mông, gỗ mít, lá xoài non… Để tạo ra sắc thái mình mong muốn, chị sử dụng kỹ thuật chồng màu, lót màu trong khi nhuộm chỉ. Bởi bản thân các màu tự nhiên cũng có giới hạn nhất định về màu sắc. Điều này khiến chị liên tưởng tới việc vẽ tranh sơn dầu, tranh lụa, họa sĩ cũng thường sử dụng lớp lót, để thiên biến vạn hóa màu sắc trong tranh.

Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản - Ảnh 4.

Những cuộn chỉ đầy màu sắc cũng là những tác phẩm nghệ thuật do Phạm Ngọc Trâm thực hiện

Bởi vậy mà khi tự mình nhuộm chỉ, chị Trâm thấy mình có sự tự do, phóng khoáng của một người họa sĩ như khi vẽ tranh. Không phụ thuộc vào bảng màu có sẵn của nhà cung cấp chỉ. Đồng thời, cũng không có hóa chất độc hại trong đó. Chị quan niệm, bảng màu nhuộm tự nhiên cũng là tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, sử dụng, phối kết hợp các nguyên liệu thiên nhiên cũng thể hiện tri thức về y học, sinh học, hóa học của ông cha mình. Như vậy, thêu cổ truyền là một loại di sản đòi hỏi tính liên ngành rất cao.

Chị Trâm thường tận dụng nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, chẳng hạn như từ cây xoài, cây mít. Đối với một số loại thảo dược sẽ được tìm ở những hiệu thuốc cổ truyền. Hoặc gỗ vang thì hỏi mua những dăm gỗ nhỏ, thải ra trong quá trình sản xuất đồ gỗ.

nghiên cứu, phục dựng

Hướng nghiên cứu, phục dựng trước mắt của chị Trâm tập trung vào những bức tranh thêu được làm ra dưới thời Đông Dương. Bởi trong thời kỳ này, hoạt động thêu ở Việt Nam được đẩy mạnh lên nhờ vào nhu cầu của thị trường, cùng với đó là sự va chạm những luồng văn hóa trong và ngoài nước. Nhờ yếu tố bên ngoài tác động vào như vậy đã khiến cho những cái tinh túy trong nghề thêu được đẩy lên cao.

Thêu, nhuộm hơi thở hiện đại vào di sản - Ảnh 5.

Tranh thêu cây cối từ thời Đông Dương được Phạm Ngọc Trâm sưu tầm

Qua biến động của thời cuộc, nhiều bức thêu có tuổi đời lớn hơn, được tạo ra ở những thời đại trước phần nhiều không còn giữ lại được. Hoặc nếu có giữ lại được, thì cũng không dễ dàng tiếp cận đối với chị. Trong khi đó, những bức tranh thêu Đông Dương mà chị Trâm mua được ở Pháp hoặc các nước châu Âu có một số bức vẫn trong điều kiện bảo quản ổn định. Nên nếu có khả năng, chị Trâm vẫn muốn đào sâu hơn nghiên cứu của mình về những giai đoạn trước đó. Không chỉ trưng bày những bức tranh chị kì công sưu tầm, trong lần mở xưởng này, chị Trâm còn tái hiện lại không gian làm việc của mình như ở nhà. Tại đây, chị cũng giới thiệu những cuốn sách, tư liệu quý giá về nghệ thuật thêu, sưu tầm được ở nhiều quốc gia chị đi qua.

"Đi xa rồi lại quay về gần", là tâm niệm của Phạm Ngọc Trâm trên hành trình theo đuổi nghệ thuật. Chị dành phần lớn những năm học tập, tu nghiệp ở cả trong và ngoài nước để học hỏi những kỹ thuật thêu từ nhiều quốc gia. Đến cuối cùng, chị vẫn muốn quay về với di sản văn hóa Việt Nam. Bởi với chị, học hỏi từ nhiều nước cho chị cái nhìn bao quát với nhiều nền văn hóa. Để rồi, bản thân càng thấy tự hào và trân trọng vì những nét đặc sắc trong nghề thêu truyền thống của nước nhà.

Phạm Ngọc Trâm cũng không dám nhận phong cách thêu của mình có điểm gì đặc sắc so với các làng nghề. Tuy nhiên, điều mà chị có thể chắc chắn, đó là chị đến với thêu theo hướng tiếp cận di sản.

Phúc Nam

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›