(Thethaovanhoa.vn) - Liberty Media cho biết, họ hi vọng sẽ thêm nhiều chặng đua nữa trong 5 năm tới và vào tháng 4/2020, Hà Nội sẽ mở đầu cho tham vọng mở rộng của giải đua Công thức 1 (F1).
Từ những năm 1950 khi các chặng đua chủ yếu diễn ra tại châu Âu, F1 đã mở rộng trên khắp thế giới mà chính xác là 5 châu lục. Trong 15 năm gần đây, nhiều chặng đua mới đã được thêm vào ở Bahrain, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Azerbaijan.
“Các thành phố đích đến”
Thế nhưng, việc bổ sung một chặng Grand Prix tại Việt Nam vào tháng 4/2020 sẽ đặc biệt quan trọng bởi vì đây sẽ là chặng đầu tiên được bổ sung dưới thời chủ sở hữu thể thao mới, Liberty Media Corporation.
Kể từ khi giành quyền tổ chức vào năm 2017, Liberty đã rất rõ ràng với mong muốn đưa F1 đến với cái mà công ty gọi là “các thành phố đích đến”, như Miami, Las Vegas và London. Mục tiêu của họ là mở rộng lên 24 hoặc 25 chặng đua trong 5 năm tới và hướng đến châu Phi cũng như bổ sung thêm một chặng đua khác ở Mỹ.
Tuy vậy, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, sẽ là thành phố đầu tiên tham gia lịch trình dưới thời Liberty và tại đây sẽ diễn ra chặng Vietnam Grand Prix trên các con phố ở phía Tây thành phố vào tháng 4/2020.
“Với Liberty, chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận chiến lược hơn nhiều”, Chloe Targett-Adams, giám đốc toàn cầu của các nhà quảng bá và quan hệ kinh doanh cho biết. “Chúng tôi đang tìm kiếm các địa điểm sẽ mang lại cho chúng tôi cơ hội và khả năng tổ chức. Đó là nơi chúng tôi sẽ có thể tạo ra những màn đua xe thực sự tuyệt vời”.
Hiện lịch thi đấu của F1 có 21 chặng. Các địa điểm này là sự kết hợp của những đường đua truyền thống, nông thôn, như ở Spielberg (Áo) và Spa (Bỉ) và tại những đường đua thành phố ở Singapore; Baku (Azerbaijan); và Monaco.
Targett-Adams cho biết, quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Hà Nội và Melbourne, thành phố tổ chức chặng Australian Grand Prix, đã lôi kéo sự quan tâm của các quan chức Việt Nam trong việc đưa F1 đến nước này. F1 đã nhìn thấy một cơ hội để tận dụng thị trường châu Á đang phát triển của mình, dựa trên các chặng đua hiện có ở Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.
“Tại Việt Nam, chúng tôi có một thị trường cực kỳ thú vị và mới nổi”, Targett-Adams nói. Đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, và Việt Nam chưa từng tổ chức các sự kiện lớn trên quy mô toàn cầu. “Đó là cơ hội để thu hút du lịch đến Việt Nam. Chúng tôi biết chúng tôi có hơn 9 triệu người hâm mộ F1 ở Việt Nam dù tại đây không tổ chức chặng đua nào, vì vậy, đây là một thị trường rất thú vị đối với chúng tôi về mặt chiến lược”.
Do Hà Nội là chặng đua mới đầu tiên trong chiến lược của Liberty, một chặng đua mới ở Hà Lan sẽ diễn ra vào tháng 5, Việt Nam sẽ được thế giới chú ý và quan tâm rất nhiều. Còn về lâu dài, Liberty đã đưa ra một bức tranh tổng thể tích cực về lịch đua trong tương lai. “Chúng tôi vừa công bố việc gia hạn các chặng đua ở Mexico và trước đó chặng Silverstone ở Anh”, Targett-Adams nói tiếp. “Năm tới, F1 sẽ trở lại Hà Lan lần đầu tiên kể từ năm 1985, khi Niki Lauda giành chiến thắng”.
Ưu tiên cho Hà Nội
Hai chặng Grand Prix mới sẽ đưa lịch đua năm 2020 lên 22 chặng. Tuy vậy, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi chiến lược của Liberty. Trong khi bổ sung thêm 2 chặng đua mới, F1 cũng sẽ mất 1 chặng trong năm tới. German Grand Prix, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1951, chuẩn bị được xóa khỏi lịch đua. Các chặng đua ở Anh, Tây Ban Nha và Italy cũng đã phải đối mặt với sự không chắc chắn trong những năm gần đây do phí tổ chức F1 tăng, với con số khoảng 40 triệu USD.
Thường thì các chặng đua bên ngoài châu Âu có phí tổ chức cao hơn. Có điều, những chặng đua đó luôn được chính phủ hỗ trợ nhằm kích cầu du lịch và tạo việc làm. Đó là chưa kể một số chặng đua phụ thuộc lớn hơn vào tư nhân và bán vé.
Ở trường hợp của Đức, bất chấp thành công trong môn thể thao này, German Grand Prix vẫn biến khỏi lịch đua. Từ năm 1994 đến 2004, tay đua người Đức là Michael Schumacher đã 7 lần vô địch thế giới và hiện vẫn giữ kỉ lục này. Một tay đua người Đức khác là Sebastian Vettel cũng đã giành được 5 trong số 9 danh hiệu kể từ năm 2010, trong khi đội đua Mercedes liên tục vô địch kể từ năm 2014.
Theo bà Targett-Adams, mặc dù Liberty mong muốn mở rộng F1 tới các thành phố, nhưng chặng đua tại các địa điểm truyền thống vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược của công ty. Trước mắt, họ có 7 tháng để chuẩn bị cho công tác tổ chức tại Hà Nội, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh đường đua, chẳng hạn như việc xây dựng một khu pit cho các đội, khán đài và trải nhựa.
Trên tất cả, mục tiêu của F1 và Liberty là tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người hâm mộ, để khi họ xuất hiện, họ thực sự cảm thấy rằng họ đang ở Hà Nội, đang tham gia một sự kiện F1 tại Việt Nam.
Singapore vẫn sẽ nằm trong bản đồ F1 Trong khi lịch đua F1 tăng lên 22 chặng vào năm 2020, Singapore Grand Prix với 12 tuổi vẫn là một phần của tương lai của môn thể thao này, như Giám đốc tiếp thị và truyền thông của F1, Ellie Norman khẳng định mới đây. Mặc dù kế hoạch và tham vọng của F1 là nhắm đến đối tượng khán giả mới, bà Norman lưu ý rằng, châu Á là ưu tiên chiến lược và với các chặng đua ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, họ có thể "tiếp cận các nhóm người hâm mộ khác nhau, đồng thời quảng bá và tăng sự quan tâm đến môn thể thao này". Từng được cựu chủ tịch F1 là Bernie Ecclestone ca ngợi như "viên ngọc quý của F1", Singapore Grand Prix mang đến cơ hội cho chủ sở hữu cuộc đua và chủ nhà. Năm 2007, 1 năm trước khi chặng đua diễn ra, số khách du lịch và doanh thu du lịch của Singapore lần lượt là 10,3 triệu và 14,1 tỷ USD. Năm 2018, con số này là 18,5 triệu và 27,1 tỷ USD. Tính ra, 11 lần tổ chức F1 của Singapore đã mang về hơn 1,4 tỷ USD doanh thu du lịch và hơn 490.000 du khách quốc tế. Được biết, hợp đồng của Singapore với F1 kết thúc vào năm 2021 và các cuộc đàm phán giữa hai bên dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới. Trong trường hợp F1 không được tổ chức tại đảo quốc Sư tử này sẽ để lại một khoảng trống trong lịch đua vì những thống kê đã nói ở trên. |
Mạnh Hào
Tags