Mây Hồng (tên thật là Bùi Thị Hồng Vân) giới thiệu tiểu thuyết đầu tay “Trois Nuage au Pays des Nénuphars” (Ba áng mây phiêu dạt xứ bèo). Cuốn sách đã được giải Tác phẩm được yêu thích nhất của NXB Hội Nhà văn Pháp năm 2013 và được giới thiệu trong nhiều hội chợ sách tại Pháp, Bỉ và Thụy Sỹ.
Trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội và TP. HCM đã chọn giới thiệu tác phẩm trong chương trình văn học lớp 9-10 và lớp 11-12.
* Tại sao cuốn tiểu thuyết lại mang tựa đề hơi giống cổ tích như vậy, thưa chị?
- Tôi viết về tuổi thơ của mình trong chiến tranh chống Mỹ. Khi ấy, cả gia đình tôi sơ tán tại nhiều vùng thôn quê của tỉnh Hải Dương. Ba chị em tôi đều tên là Vân. Vì thế mà có “Ba áng mây…” trong tựa đề truyện.
Tôi không có ý định viết về lịch sử hay chiến tranh. Tôi chỉ kể lại tuổi thơ của mình thông qua lời tự sự của một cô bé sống ở miền Bắc Việt Nam dưới làn bon đạn Mỹ (1964-1975). Đó là một bằng chứng hiếm hoi về cuộc sống hàng ngày trong chiến tranh đối mặt với hiểm nguy, sợ hãi, khổ đau và ngập tràn xúc động mà chỉ trẻ thơ mới nhìn thấy được.
Trải nghiệm xót xa nhưng rành rẽ của cô bé vẫn sắc nét như mới ngày hôm qua dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua. Ký ức đó là cánh cửa mở vào một thực tế ít người biết đến ở Mỹ và châu Âu : cuộc sống gian khổ của nhân dân miền Bắc Việt Nam với những sự kiện chính trị và quân sự của cuộc chiến.
Ba chị em tôi, ba áng mây – Mây Vàng, Mây Xanh và Mây Hồng – bập bềnh nhìn ra thế giới, chao đảo và sống sót. Lênh đênh cùng các nàng Mây là cuộc sống thường nhật của một gia đình đối mặt với chiến tranh, đói khổ và thiếu thốn.
Tôi cũng tả lại những niềm vui bất chợt của đời sống nông dân với những phong cảnh và mùi vị, hương thơm kỳ diệu đầy ám ảnh.
* Thế còn lý do viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp mà không phải bằng tiếng Việt?
- Tôi đã sống và làm việc ở Pháp từ lâu nên nhiều khi gặp khó khăn trong cách diễn đạt tiếng Việt. Tôi yêu ngoại ngữ, thích đọc sách, thích viết. Khi tôi đặt bút viết, tiếng Pháp “trôi” ra một cách tự nhiên.
Thực tế là tôi vẫn viết. Viết từ khi còn rất trẻ. Có người viết như một nghề nghiệp. Có người viết vì có tài năng. Cũng có người viết chỉ để kiếm tiền. Nhưng tôi viết bởi một lý do đơn giản: Bởi vì tôi không biết… nói!
Ở một thời điểm nhất định của cuộc đời, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi chưa từng nói với bố mẹ tôi: "Con yêu bố mẹ!".
Câu truyện như một bức thư đầy tình yêu thuơng của một một đứa trẻ nhỏ gửi tới Bố Mẹ. Rồi tiếp tục, tựa như nhiều bức thư "tình", tới những người nông dân tốt bụng đã cưu mang và yêu thương chị em tôi suốt những năm tháng bom đạn, chiến tranh, đói khổ.
Các con tôi sinh ra ở Pháp, hiện nay đã về sống và làm việc ở Việt Nam. Tôi cũng muốn để các con tôi biết trang lịch sử này của đất ngoại, những gì mà ông bà và gia đình đã từng trải qua.
Bìa cuốn Trois Nuage au Pays des Nénuphars (Ba áng mây phiêu dạt xứ bèo) |
* Chị đã viết cuốn sách trong bao lâu và có gặp khó khăn gì không?
- Tôi đã viết trong gần 5 năm, chủ yếu vào buổi đêm. Suốt những năm tháng này, mỗi đêm, tôi chỉ ngủ trung bình 3 tiếng hoặc 4 tiếng. Ban ngày, tôi đi làm ở cơ quan. Vì tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên có chút khó khăn. Có những điều, với tôi là đương nhiên, nhưng rất khó giải thích cho trôi chảy.
Tôi có về Việt Nam, qua các bảo tàng về chiến tranh, tìm kiếm ở thư viện, trên những trang thông tin điện tử.
* Sách đã được đón nhận như thế nào ở châu Âu?
- Hoàn toàn bất ngờ. Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp; cũng không có tên tuổi gì. Khi viết, tôi không có ý định xuất bản. Nhưng nhiều người đọc, yêu thích và khuyến khích tôi xuất bản nó.
Rồi tôi nhận được vài lời đề nghị của vài nhà xuất bản. NXB Hội nhà văn Pháp tặng tôi giải "Coup de Coeur" (Được yêu thích nhất). Và tôi được độc giả tại các hội chợ sách lớn của châu Âu đón nhận nồng nhiệt. Tôi không dám nói nhiều hơn về sự thành công của cuốn sách. Điều đó, chỉ có chính đọc giả mới có thể nói được.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất của chị đối với độc giả?
- Mỗi nơi, mỗi nước, tôi đều có những chuyện đáng nhớ và cảm động. Ở Genève (Thụy Sỹ), tôi tiếp một độc giả Mỹ. Bà cầm tay tôi và bảo rằng chuyện của tôi làm cho bà sống lại những năm 1960. Khi đó, bà ta thường xuyên xuống đường tham gia biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ở Bruxelles (Bỉ), một độc giả là bác sỹ bảo tôi rằng trong (và sau) khi đọc, ông ta bị ám ảnh bởi cảm giác mình "có lỗi" với Việt Nam.
Tôi rất xúc động khi tiếp những độc giả trẻ tuổi. Có khi tôi ký sách cho những sinh viên 20 - 22 tuổi. Rồi trẻ hơn nữa, 17 - 18 tuổi, thậm chí 14 tuổi... Và người đọc trẻ nhất của tôi là một cô bé 12 tuổi. Tôi thấy hạnh phúc lắm!
Điều làm tôi hạnh phúc nhất là hôm nay, tôi được giới thiệu cuốn sách của tôi tại đất nước quê hương tôi, tại thành phố nơi tôi đã sinh ra. Tôi muốn tặng món quà này cho bố mẹ tôi.
Lê Hương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa