(Thethaovanhoa.vn) - Steven Gerrard có thể sớm chuyển tới giải vô địch Trung Quốc China Super League (CSL), khoác áo CLB Hebei China Fortune, hiện do cựu HLV Manchester City Manuel Pellegrini dẫn dắt.
- Steven Gerrard chuẩn bị về Anh theo nghiệp huấn luyện
- Ashley Cole gửi 'tâm thư' xin lỗi vì đá hỏng quả 11m ở trận đấu cuối cùng của Gerrard
- Sự nghiệp của Gerrard có thể sẽ kết thúc theo cách đáng buồn nhất cuối tuần này
- Mèo đen chạy vào sân Liverpool - Man United, CĐV lôi Gerrard ra chế giễu
Pellegrini được cho là rất ngưỡng mộ Gerrard từ những ngày ông còn làm việc ở Premier League. Chiến lược gia người Chile không phải là HLV tên tuổi duy nhất đang làm việc ở CSL. Không lâu sau khi Marcello Lippi trở về Italy tháng trước để dẫn dắt ĐTQG, Andre Villas-Boas đã ra mắt trong vai trò tân HLV Shanghai SIPG.
Những khoản tiền lớn tiếp tục đổ vào giải vô địch nước này, với mục tiêu là giành quyền dự World Cup, điều Trung Quốc đã không làm được từ năm 2002, cũng như đăng cai sự kiện thể thao hoành tráng này, rồi cuối cùng là vô địch. Tuy nhiên, ngay cả với những tên tuổi như Lippi, Villas-Boas, Pellegrini, Sven-Goran Eriksson, cùng các cầu thủ lớn, rất nhiều người vẫn còn nghi ngờ về triển vọng dài hạn của bóng đá Trung Quốc.
Chưa thể giúp bóng đá Trung Quốc phát triển
“Bạn có thể chiêu mộ những HLV và cầu thủ nổi tiếng nhất, nhưng không thể tạo ra nền văn hóa bóng đá cần thiết cho thành công sau một đêm”, Tom Byer, hiện đang làm việc cho Beijing Guoan, nói. “Bạn không thể mua thành công ở cấp độ ĐTQG. Khi bạn nhìn vào lứa U12 ở đây, bạn sẽ thấy khoảng cách là còn rất lớn. Ở Nhật Bản người ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách đó. Ở Trung Quốc, vẫn còn quá lớn. Đó là những gì tôi tập trung vào tại Guoan”.
Byer là một người đã có nhiều năm làm việc với bóng đá châu Á, tham gia các dự án phát triển ở Trung Quốc và Nhật Bản từ giữa những năm 1990. Ông hiện là Giám đốc kỹ thuật của chương trình bóng đá học đường Trung Quốc, được triển khai từ năm 2009 theo chỉ đạo từ chính quyền trung ương.
Nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là trong ngành bất động sản và truyền thông, đã ném nguồn lực vào đó để hỗ trợ mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc bóng đá của Chủ tịch Tập Cận Bình. Evergrande Group, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, chống lưng cho đội 6 lần VĐQG Guangzhou Evergrande. Nhờ tiền bạc từ đó, Guangzhou đã 2 lần đăng quang ở Champions League châu Á các năm 2013 và 2015.
“Thị trường bóng đá Trung Quốc có thể thu hút rất nhiều đầu tư và những cầu thủ tên tuổi lớn, đây là cách tiếp thị tốt cho bóng đá Trung Quốc”, Li Ming, HLV đội U19 Trung Quốc vừa tham gia giải vô địch châu Á, nói. “Nhưng để chuyên nghiệp hóa thực sự, chúng tôi cần nghĩ về tương lai xa, chứ không chỉ 1-2 năm. Tôi hy vọng sự háo hức sẽ mang thêm nhiều người và đầu tư tới cho bóng đá Trung Quốc. Chính quyền cũng đang chú ý nhiều hơn, và triển vọng là rất lớn”.
Tuy nhiên, với những tên tuổi bom tấn như Gerrard hay Pellegrini, vẫn còn rủi ro là những người thật sự giá trị với bóng đá Trung Quốc như Byer và Li không nhận được đủ nguồn lực, trong khi tiền bạc dồn hết cho việc đánh bóng tên tuổi. “Bạn có thể chi hàng triệu đô-la để đưa về mọi HLV và cầu thủ lớn, nhưng vẫn không có gì xảy ra”, Byer nói. “Đó là một cái hố đen nuốt tiền. Ở Trung Quốc có 100 triệu trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nhưng từ năm 1994, không quốc gia châu Á nào dự World Cup mà chưa từng dự World Cup U17 hay U20, và cho tới giờ Trung Quốc vẫn chưa ở trong Top 4 các giải trẻ đó. Ngay cả Việt Nam, Myanmar và Uzbekistan gần đây đã làm được điều đó, nhưng Trung Quốc thì chưa”.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Tags