PGS.TS Ngô Đức Thọ xác nhận nhầm lẫn về bản quyền 'Đại Việt sử ký toàn thư'

Thứ Tư, 01/10/2014 05:29 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao & Văn hóa số 266, thứ 3, ngày 23/9/2014, có bài: “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng bị ăn cắp bản quyền! Nội dung bài phản ánh việc bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư do NXB Thời đại liên kết với Công ty TNHH Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng phát hành năm 2013 đã không đề xuất bản dựa theo bản khắc in năm nào; không có tên dịch giả; không có tên người hiệu đính. Bài viết phản ánh ý kiến của PGS.TS Ngô Đức Thọ cho rằng sách phát hành mà không được sự đồng ý của nhóm dịch giả mà đại diện là PGS.TS Ngô Đức Thọ.

Sau khi báo đăng, ngày 24/9/2014, chúng tôi nhận được văn bản phản hồi của Công ty TNHH Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng cho biết: “Nhà sách Minh Thắng phát hành cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” liên kết với NXB Thời đại, phát hành theo bản dịch của nhà Hán học Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, theo bản in của NXB Khoa học Xã hội năm 1971-1972”.

 

PGS.TS Ngô Đức Thọ

 

Chúng tôi đã làm việc lại với PGS.TS Ngô Đức Thọ. Kiểm tra, đối chiếu kỹ lại văn bản, PGS.TS Ngô Đức Thọ xác nhận ông đã nhầm lẫn.

PGS.TS Ngô Đức Thọ phân tích: “Ngày 19/9/2014, PV báo Thể thao & Văn hóa đem cuốn sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (NXB Thời đại & Công ty TNHH Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng, 2013) đến nhà để tìm hiểu thông tin, tôi có kiểm tra nhanh và thấy giống nội dung bản dịch của nhóm chúng tôi.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu kỹ lại vào nội dung sách, tôi thấy đây không phải bản dịch của nhóm chúng tôi mà là bản cụ Cao Huy Giu phiên dịch, cụ Đào Duy Anh chú giải và khảo chứng… Vì thế, tôi xin rút lại các ý kiến trước đây, xin đính chính và xin được cáo lỗi.

 


Bản in "Đại Việt sử ký toàn thư" của NXB Thời đại - Nhà sách Minh Thắng là theo bản dịch của Cao Huy Giu - Đào Duy Anh
 

 

Bộ sử nào cũng quan trọng, bộ Quốc sử càng quan trọng. Năm 1965 chúng ta chưa tìm được bản cổ hơn nên cụ Cao Huy Giu phiên dịch theo bản đời Nguyễn. Sau này, tìm ra văn bản năm Chính Hòa (1697) là bản cổ nhất của đời Lê, là đời soạn ra bản sử đó. UB KHXH lập ra một Hội đồng dịch thuật để dịch. Việc in bản dịch của cụ Cao Huy Giu để tham khảo cũng là điều nên làm…”.

P.V

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›