Nhớ nhà thơ pháp Lê Xuân Hòa

Thứ Sáu, 19/12/2008 16:28 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Đầu năm dương lịch này (3/1/2008), nhà thư pháp Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 95 tuổi. Nhân 1 năm ngày mất của cụ, báo TT&VH đã nhận được bức thư viết tay mực tím của ông Nguyễn Thanh Liêm (tổ 6, phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội), một người rất kính trọng, ngưỡng mộ cụ, và được cụ coi như người thân trong nhà. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Ngày 25.11 (AL) năm Mậu Tý này là tròn năm nhà thư pháp Lê Xuân Hòa đi xa. Nhân ngày kỵ đầu có chút tư liệu coi như nén nhang thơm nhớ Đại lão, nhà Danh Bút họa. Tôi không biết viết báo, có đôi lời với bạn đọc.
 
Nhà thư pháp Lê Xuân Hòa (người chống gậy) và
tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái).

Năm Giáp Thân 2004, tôi hoàn thành nhiệm vụ đưa Đại lão đi “vi hành” thăm các di tích lịch sử quanh Hà Nội. Có người hỏi tôi: Ông có xe con đưa cụ Hòa đi chơi nhiều thế? Tôi nói, nhờ Hãng xe bus Thăng Long, xe ôm Hà Nội, cụ có 3 chân có thể đi bất cứ đâu. Lúc đó cụ ngoài 90 xuân rồi phải có gậy, tôi mang theo cái ghế nhựa, xuống xe bus ngồi chờ xe ôm, cụ chống gậy ngồi thoải mái. Đi lễ đền Gióng (Sóc Sơn) lễ đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), về làng văn hóa xã Đức Thượng (Hoài Đức), về Phùng (Đan Phượng), vào Thành cổ Hà Nội, thăm triển lãm tranh Lê Duy Ứng. Về tỉnh Thanh Hóa một ngày… Sau đó, cụ dặn tôi mua cho cụ lọ mực tím quyển sổ, cây bút để tổng hợp thơ văn với thi hữu. Nhưng mới được mấy bài, cú ngã định mệnh năm Ất Dậu 2005 bắt cụ nằm tại chỗ. Người họa thơ tuyệt nhất của cụ là cụ Xứng, có thơ tứ tuyệt chữ Hán tặng cụ Hòa và dịch:

Ất Dậu xưa, thây chết đầy đường

Ất Dậu nay, Tiên tổ gặp thường

Trời thương lão, Đất thì chẳng xót

Rày nắng mai mưa thật khó lường

(Tròn 60 năm Ất Dậu, Lan Chi dịch)

Tết Ất Dậu tôi có 15 ngày ở Phương Nam nên tới nhà con cụ ở Quận Gò Vấp ghi chép biên tập chọn lọc đầy quyển viết 200 trang. Bác Sơn Tùng ghi cho bài tứ tuyệt ngay trang đầu: “Cảm niệm vị túc nho Thư Pháp Lê Xuân Hòa kính ái”:

Trải mấy lao lung, mấy phong trần

Đức kia ngời sáng giữa gian truân

Văn tâm, bút tuệ hồn sống núi

Thiên địa Xuân Hòa nho nhã nhân

(Chiếu văn ngày giáp Tết Bính Tuất. Vong niên giao, Sơn Tùng)

Cụ điện thoại ngay cám ơn nhà văn: “Người chết nhưng thơ vẫn ở đời”.
 
Giao thừa Bính Tuất, thấy cụ xuất hiện trên chương trình truyền hình, anh Thoan (Ngô Văn Quý Thoan) từ Huế liền họa một bức, gửi ra Hà Nội. Cụ xem ưng ý bảo tôi đi sao 40 tấm gửi các bạn già, tôi lại được làm giao liên. Điều thú vị là lại có thư đáp của bác Hoàng Tùng (nguyên TBT báo Nhân Dân).
 
Bức họa

Bài thơ do thầy Vinh viết tặng cụ tháng 6/2007, tôi phải thuộc để ngâm cho cụ nghe. Trước lúc đi xa 1 ngày, hôm 2/1/2008, cụ nghe bài thơ gật đầu và tủm tỉm cười.

Thế mà 9h10’ ngày 3/1/2008, cụ đã cưỡi gió xe mây về núi.

Sáng 30 Tết Đinh Hợi, đến thắp hương tại bàn thờ cụ, thấy có 10 tờ báo TT&VH có bài viết về cụ của nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn (bài Nhà thư pháp Lê Xuân Hòa – Gần trăm năm gánh chữ Thánh hiền, TT&VH số ra ngày 7/1/2008), tôi đã làm lễ xin cụ 4 tờ.

Đêm ít ngủ, ngồi viết, xin gửi thêm mấy bức ảnh về cụ Hòa.

Nguyễn Thanh Liêm (Hà Nội)
 

Vài nét về nhà thư pháp Lê Xuân Hòa

Ông sinh năm 1914, tại làng Phú Khê, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), trong một gia đình có truyền thống Nho học, và được học chữ Nho từ nhỏ. Ông trở thành một biểu tượng của làng thư pháp Việt Nam, luôn được nhắc đến với niềm kính trọng, ngưỡng mộ.

Tài năng và danh tiếng của cụ đã vượt ra ngoài biên cương nước Việt. Hội trưởng Hội thư Pháp Đài Loan (Trung Quốc) Fan Qing Zhong đã từng tìm đến thư trai của cụ trong ngõ Gốc đề, làng Hoàng Mai (nay là phố Minh Khai, Hà Nội) để được diện kiến và trao tận tay bức thư mời: “Lê Xuân Hòa Đại sư làm cố vấn danh dự cho bản Hội”.
 
Tác phẩm thư pháp của cụ có mặt ở Thư viện Cerell (New York, Mỹ). Tác phẩm của cụ còn có mặt trong Triển lãm thư họa Trung Quốc phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức vào tháng 4/1994 tại Bắc Kinh. Tác phẩm Hoàng Hạc Lâu của cụ đoạt giải và được cấp bằng danh dự chứng thư. Nhà sư Mạn Đà La từ Pháp về VN xin cụ viết cho 4 chữ “Trúc Lâm Thiền Viện” và câu đối Nôm của GS Hoàng Xuân Hãn để khắc lên hai cổng và cửa tam quan tại ngôi chùa Việt ở Nam ngoại ô Paris. 84 bức thư pháp của cụ cũng đã được NXB VH-TT in thành sách.

Trần Lợi

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›