MMA và 'cú đấm' mới của võ Việt

Thứ Sáu, 21/02/2020 08:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Nội vụ vừa có quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (MMA) và đây được coi là cột mốc quan trọng sau quá trình du nhập và phát triển của môn thể thao đặc biệt này tại Việt Nam.

Beckham tới Việt Nam giao lưu Công Vinh, võ Việt Nam lập kỷ lục

Beckham tới Việt Nam giao lưu Công Vinh, võ Việt Nam lập kỷ lục

Cựu danh thủ lừng lẫy thế giới một thời David Beckham đến giao lưu cùng Công Vinh, Duy Mạnh; võ Việt Nam lập kỷ lục ở giải Vovinam học sinh TP.HCM 2019 là những tin tức thể thao đáng chú ý vừa qua.

Sự đặc biệt của MMA

Võ tổng hợp (tên tiếng Anh là Mixed Martial Arts, viết tắt là MMA) là môn thể thao mang tính đối kháng toàn diện với đầy đủ các đòn đánh như đấm, đá, vật..., mang mục đích tìm ra kỹ thuật chiến đấu hoàn hảo nhất và kết hợp tinh hoa từ những môn võ khác nhau trên thế giới. Với sự thực dụng, các võ sỹ MMA được phép sử dụng tất cả các đòn thế từ các võ phái khác nhau, họ chỉ cần đánh bại đối phương để giành chiến thắng.

Thế nên trong các trận đấu MMA, có thể bắt gặp những đòn thế hay đòn thế quen thuộc như đòn đá của Taekwondo, Karate, đấm của Boxing, cùi chỏ hay lên gối của Muay Thái. hay vật, khóa của Judo, Jujitsu, Nhu thuật Brazil…. Luật thi đấu của MMA cũng cho phép tấn công khi đối thủ đã ngã xuống sàn (điều bị cấm ở hầu như các môn võ đối kháng), thậm chí, đây còn được coi là đặc trưng và sự khác biệt lớn nhất của MMA, bởi các võ sỹ được phép sử dụng các đòn tay hoặc chân để tấn công lên vùng mặt của đối thủ.

Việc đánh bại đối thủ là mục tiêu cuối cùng trong trận đấu MMA, nên dù việc hội tụ các đòn đánh đa dạng và có nhiều điểm khác biệt trong luật thi đấu, song để tránh những chấn thương nghiêm trọng cho các võ sỹ, trọng tài có nhiệm vụ đánh giá võ sĩ đã mất khả năng kháng cự để dừng trận đấu. Trọng tài hoặc các võ sĩ cũng có thể tự dừng trận đấu nếu nhận thấy chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra do các đòn bẻ khóa.

MMA được thế giới đã công nhận là một môn võ độc lập, có hệ thống thi đấu và luật thi đấu riêng biệt, đang từng bước trở thành một môn võ thể thao gắn kết tinh hoa võ thuật các môn phái và văn hóa các quốc gia, mang lại sức khỏe, tinh thần võ thuật cao thượng cho người tập luyện. Đồng thời, thống nhất các tiêu chuẩn về luật thi đấu, nhằm được công nhận là một môn thể thao chính thống và vận động đưa MMA vào hệ thống thi đấu Olympic.

Chú thích ảnh
MMA hấp dẫn bởi chính sự khốc liệt của môn võ thuật này

Hiện nay, các trận đấu MMA lớn nhất được tổ chức được biết đến thông qua Giải Vô địch đối kháng đỉnh cao (Ultimate Fighting Championships - UFC). Giải đấu được truyền hình tại 145 quốc gia bằng 28 thứ tiếng, với 800 triệu lượt người xem trên toàn thế giới. Ngoài ra còn có một số tổ chức khác như Bellator Fighting Championships (Mỹ), Cage of Warrior (Anh), One Championships (Singapore), Rizin (Nhật Bản) chuyên tổ chức các trận thi đấu MMA chuyên nghiệp.

Tiềm năng của MMA Việt Nam

Theo thông tin từ Ban vận động thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF), Võ tổng hợp (hay còn gọi là Võ tự do) hội nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu những năm 1920. Cho đến trước năm 1975, cũng tồn tại và xuất hiện một thể thức võ thuật được gọi là “Võ tự do”, được những môn sư của những môn phái khác nhau chắt lọc, tổng hợp lại và cho ra đời môn Võ tự do Việt Nam. Đến năm 2013, cộng đồng võ thuật Việt Nam lần đầu tiên được chứng kiến màn biểu diễn võ MMA tại Nhà thi đấu CLB Võ thuật Quân khu 7 trong khuôn khổ giải Vô địch Võ cổ truyền và Quyền anh Cup Let’s Viet và sau sự kiện này đã tạo nên một làn sóng quan tâm hâm mộ và nâng cao phong trào tập luyện thi đấu MMA.

Đến nay, tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, các câu lạc bộ Võ thuật MMA đã hình thành và được đầu tư một cách bài bản, quy mô, cơ sở vật chất hiện đại thu hút hàng ngàn lượt người hâm mộ đến tham gia tập luyện. Đặc biệt ở TP HCM và Hà Nội có các câu lạc bộ lớn như: Dragon MMA Hà Nội, Sài Gòn Sport Club TP HCM với số lượng người tập đông đảo lên tới 5000 người. Tính trên cả nước có hơn 30 CLB thường xuyên hoạt động tập luyện và thi đấu MMA. Cũng theo thống kê từ Ban vận động thành lập MMAVF, cộng đồng MMA Việt Nam có 28.736 thành viên, MMA Viet Nam Group có 18.198 thành viên.

Gần đây nhất, MMA được biết nhiều nhất thông qua giải One Championships - một giải đấu MMA chính thức - được tổ chức tại NTĐ Phú Thọ, TPHCM vào tháng 9/2019 (nhưng chỉ thi đấu Muay). Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam có một đại diện thi đấu là võ sỹ Nguyễn Trần Duy Nhất, bên cạnh nhiều võ sỹ tên tuổi gốc Việt khác như Bi Nguyễn, Michael Phạm, Chris Nguyễn. Sự hưởng ứng nhiệt tính của khán giả trong việc theo dõi các trận đấu cho thấy, MMA dù mới mẻ song đã được đón nhận khá nồng nhiệt.

Với những tiềm năng hiện tại, nếu MMA được tập trung đầu tư khoa học, hình thành lực lượng võ sỹ có trình độ không chỉ nâng cao, cải thiện thành tích của các võ sỹ Việt Nam khi tham gia các giải đấu quốc tế, mà còn giúp thể thao Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn với thể thao khu vực và quốc tế. Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… đều đã có Liên đoàn MMA và hoạt động khá hiệu quả.

VMMAF - trận đánh lớn không chỉ trên võ đài

Sự ra đời của VMMAF được coi là là xu hướng tất yếu để phát triển môn võ này nói riêng và tthể thao Việt Nam, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể thao của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.... Đồng thời, tổ chức này có vai trò định hướng, kiểm soát và tạo điều kiện để MMA phát triển phù hợp với truyền thống và văn hóa Việt Nam, mang lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng. Điều này thực sự hữu ích khi phong trào phát triển MMA đang khá rầm rộ nhưng mang tính tự phát và không được phép tổ chức thi đấu.

Thời gian qua, nhiều nơi vẫn tổ chức mà không được kiểm soát, thậm chí ở một số cuộc thi đấu đã bị biến tướng thành môn gây bạo lực, gây phản cảm trong xã hội. Đây là một thách thức không nhỏ với các VMMAF trong thời gian tới, khi đặc thù của MMA còn những điểm khác biệt so với nhiều môn võ đã hình thành và phát triển tại Việt Nam. Nói một cách khác, MMA được đón nhận nhờ sự mới mẻ song để nó trở thành một môn thể thao được đón nhận nồng nhiệt của đông đảo người hâm mộ từ tập luyện, thi đấu và theo dõi còn là cả bài toán cực kỳ hóc búa.

Dưới góc độ kinh tế, MMA được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của thể thao thế giới. Trang Bleacher Report từng đặt ra câu hỏi rất thú vị vào năm 2016: "Vì sao ngành công nghiệp UFC trị giá tới 4 tỷ USD?" và con số đó không ngừng tăng lên từ đó đến nay. Hay báo cáo thường niên của Tập đoàn tài chính Moody cho biết doanh thu của giải UFC đã tăng hơn 700 triệu USD kể từ năm 2017, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hay chỉ tính riêng tiền bản quyền truyền hình mà ban tổ chức UFC ký với ESPN đã có giá trị lên tới 150 triệu USD/năm vào năm 2018 và kéo dài trong năm.

Một vài con số như vậy để thấy, MMA thực sự là một môn thể thao đầy tiềm năng dưới góc độ kinh tế, nó đã và đang mang lại lợi nhuận khổng lồ. Tất nhiên, những con số này là niềm mơ ước với chúng ta nhưng chắc chắn, MMA hứa hẹn mở ra một chương mới trong lĩnh vực kinh tế thể thao mà VMMAF đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa.

Vũ Lê

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›