"Cần ra luật về xuất bản điện tử"

Thứ Bảy, 22/09/2012 14:01 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Sau thập kỷ đầu của thế kỷ 21, sách điện tử đã trở nên rất gần gũi với độc giả qua những tác phẩm được truyền bá trên internet. Nhưng sự phát triển của phương thức đọc này liên quan nhiều đến việc xuất bản điện tử, một loại hình khá lạ lẫm với nền xuất bản Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc tọa đàm với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.



Sách điện tử sẽ trở nên phổ cập hơn trong tương lai?

Xu hướng tất yếu

Thưa TS Trần Đoàn Lâm, ông có thể cho biết, sách điện tử ở Việt Nam đã phát triển thế nào trong thời gian qua?

TS Trần Đoàn Lâm: Sách điện tử và việc phát hành sách điện tử là xu hướng tất yếu, mang tính thời đại trong lĩnh vực xuất bản. Xu hướng đó cũng đang phát triển ở Việt Nam và ta đang cố gắng để tiếp cận với nó. Vấn đề về công nghệ, tác quyền, xuất bản…các nhà xuất bản đều đã có những thử nghiệm nhất định.

Khi nói đến xuất bản điện tử, người ta thường chia làm 3 loại: trọn gói (CD, VCD, DVD), truy cập (truy cập và tải về các thiết bị điện tử), trực tuyến (xuất bản trực tiếp trên mạng). Trong 3 loại đó, ở Việt Nam tôi thấy loại trọn gói đã ở giai đoạn tương đối nở rộ. Loại truy cập đang làm giai đoạn thử nghiệm và đang có xu hướng phát triển. Loại trực tuyến, ta mới thấy xuất hiện những blog, web cá nhân và lẻ tẻ những tác giả.

Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, theo bà, sách điện tử nở rộ sẽ tác động thế nào với văn hóa đọc nói chung?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Bất cứ cái gì mới cũng gây cho người ta cảm giác mới lạ và thích thú. Và khi tiếp cận với cái mới này buộc phải so với cái truyền thống. Tôi công nhận, đương nhiên đây là xu thế thời đại không thể tránh khỏi. Nhưng ở Việt Nam, xu hướng ấy đặt trong tình trạng đọc của một dân tộc rất quen đọc văn bản bằng sách. Nên nó sẽ diễn ra theo xu hướng 50-50. Nghĩa là 50 % độc giả thích đọc sách in truyền thống, 50% độc giả thích đọc sách điện tử.

Việc nên hay không thành lập các nhà xuất bản điện tử đã được nhắc tới gần đây trong Luật Xuất bản sửa đổi. Xin TS Lâm cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Trần Đoàn Lâm: Chúng ta không nên đặt vấn đề là cái gì chèn lấn cái gì. Vì sách điện tử và sách giấy sẽ song song tồn tại. Tôi lấy ví dụ nước Mỹ, một quốc gia phát triển công nghệ thông tin khá sớm song theo con số thống kê năm 2010 mới chỉ có 20% độc giả ưa dùng sách điện tử. Con số này ở Hàn Quốc là 11%, ở Trung Quốc là gần 10%. Nên việc thành lập hay không thành lập nhà xuất bản điện tử phải theo nhu cầu của xã hội chứ không thể duy ý chí.

Khi chúng ta thành lập nhà xuất bản điện tử, ta cần phải nghiên cứu trước và lường trước những gì sẽ xảy ra. Vì vấn đề này là mới mẻ không chỉ với riêng ta mà cả các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực châu Á. Hàn Quốc đã có kinh nghiệm thất bại trong việc xây dựng nhà xuất bản điện tử. Như trường hợp của BookTopia (một "hợp tác xã" xuất bản nhỏ trong đó có các nhà xuất bản chuyên về sách điện tử) khoảng năm 2001-2002, đến năm 2008 thì bị sụp đổ. Đó là bài học ta phải suy nghĩ.

Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, với tư cách là giảng viên đại học, bà thấy nhu cầu đọc của sinh viên hiện nay ra sao?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Vừa qua, tôi có đọc một bài báo đề cập tới một thực trạng kinh khủng là thư viện của nhiều trường đại học hiện nay không có sách. Điều này vô cùng ngược với sự phát triển của đại học. Bởi đại học bây giờ không thể phát triển nếu không đặt nó vào chương trình tín chỉ. Và với mô hình đào tạo tín chỉ, 50% khối lượng công việc là sinh viên phải tự đọc sách ở nhà. Vì ta không đủ điều kiện để trang bị các thiết bị đọc sách điện tử cho sinh viên, nên hiện tại sách in vẫn là rất quan trọng.

"Cần ra luật riêng"

Xuất bản sách điện tử rất là nhanh, tiện lợi, đồng nghĩa với vấn đề bản quyền và quản lý bản quyền cũng khó khăn hơn. Thưa TS Lâm, ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Trần Đoàn Lâm

TS Trần Đoàn Lâm: Chúng ta giải quyết hai vấn đề: phần cứng và phần mềm. Thứ nhất, về phần cứng, chúng ta cần có những thiết bị để đọc như smart phone, máy tính bảng, laptop… Những thứ này không phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân Việt Nam. Hơn thế, phần cứng ấy lỗi mốt rất nhanh. Và những đồ công nghệ hết đát này sẽ thải đi đâu và làm thế nào để xử lý được? Đấy là vấn đề khó cần giải quyết.

Thứ 2, về phần mềm, phần mềm sẽ liên quan đến tác quyền, giao dịch, xử lý xuất bản lậu… Trong trường hợp này, xuất bản lậu ở trên mạng nên nó sẽ phát tán rất nhanh. Ta phải có quy chế phù hợp. Các nhà xuất bản cũng cần chuẩn bị nhân lực để giải quyết được việc đó. Dự án BookTopia đã chết ở bên Hàn Quốc chính vì đội ngũ biên tập không cẩn thận lại thiết kế cẩu thả, không đem lại cái khoái cảm thẩm mỹ cho bạn đọc.

Trong khi đó, văn hóa đọc là cảm nhận về mặt thẩm mỹ khi tiếp nhận cuốn sách chứ không đơn thuần là tiếp nhận thông tin. Việc xuất bản sách điện tử đang đứng trước nhiều thách thức. Để giải quyết những thách thức đó ta cũng phải đi dần dần từng bước. Vậy theo ông bà, cần làm gì để việc xuất bản sách điện tử trở nên hiệu quả ?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cái này liên quan đến nhà nước. Nhà nước làm chủ các nhà xuất bản nên nhà nước phải đưa ra luật riêng về xuất bản sách điện tử. Đây là quy trình lành mạnh và phải làm.

TS Trần Đoàn Lâm: Làm sách gì cũng phải đi vào quy trình. Từ bản thảo, đánh chữ, đưa vào biên tập, xét duyệt, hiệu đính… Chất lượng sách không phụ thuộc vào loại hình xuất bản. Dù là bản giấy hay bản điện tử, đều phải làm thật tốt các bước trên. Các quy trình xuất bản phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Bằng không, ta sẽ thất bại bởi việc làm sách ẩu, cắt công đoạn…như BookTopia bên Hàn Quốc.

Xin cảm ơn ông bà!

Yên Khương - Phạm Mỹ

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›