Bác sỹ Nguyễn Văn Phú, Phó GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam: 'Nguy cơ đột tử luôn hiện hữu trong thể thao'

Chủ nhật, 25/01/2015 17:12 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi với Thể thao& Văn hóa cuối tuần, Bác sỹ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam khẳng định, trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, thì từ các VĐV chuyên nghiệp đến người tập nghiệp dư luôn phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ thậm chí là đột tử.

* Thể thao & Văn hóa cuối tuần: Thưa bác sỹ, các VĐV thể thao chuyên nghiệp là người có nền tảng thể chất tốt hơn nhiều so với người bình thường. Nhưng, tại sao trong quá trình tập luyện và thi đấu, VĐV vẫn có thể bị đột quỵ, thậm chí đột tử. Ông có thể cho biết rõ những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

- Bác sỹ Nguyễn Văn Phú:
Trước tiên, tình trạng VĐV đột quỵ, thậm chí đột tử trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả các VĐV đỉnh cao trên thế giới vẫn có thể gặp phải, cho dù  nền tảng thể chất của các VĐV này là cực tốt.

Trong các môn thể thao thì: Bóng đá, điền kinh, đua xe đạp…là những môn thể thao mà các VĐV có nguy cơ cao gặp phải tình trạng đột tử trong quá trình tập luyện và thi đấu. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, trong một quần thể chung thì cứ khoảng 200.000 người thì có 1 trường hợp bị đột tử trong tập luyện và thi đấu thể thao. Và ở riêng môn bóng đá, cách đây chừng hơn 10 năm thì tỷ lệ đột tử còn cao hơn mức bình thường, từ 6 tới 8 trường hợp đột tử  trên tổng số 200.000 người.

Qua những con số này có thể nói, đột quỵ hay đột tử là nguy cơ hiện hữu trong thi đấu và tập luyện thể thao. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là do hoạt động bất bình thường của quả tim. Tức là, về mặt tiền sử bệnh tật, về mặt VĐV vận động với cường độ cực đại thì dẫn tới nguy cơ gây ra tai biến, ví dụ tim ngừng đập. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như việc dị dạng mạch máu ở cơ thể hoặc dị dạng tuần hoàn hoặc mắc một số bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa hoặc những bệnh lý bẩm sinh…

* Trên thực tế thì các VĐV chuyên nghiệp đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ trước khi tham dự các giải đấu hoặc trước khi ký hợp đồng lao động họ đều được yêu cầu khám sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại không phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn gây ra đột quỵ hay liên quan các căn bệnh bẩm sinh. Ông có thể lý giải như thế nào về điều này?

- Trên lý thuyết, các VĐV phải được kiểm tra sức khỏe một cách định kỳ, thường xuyên. Nhưng cũng chính vì việc kiểm  tra một cách thường xuyên nên mức độ kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho VĐV chỉ ở mức giới hạn cơ bản mà thôi nên chưa thể xác định một cách chính xác những nguy cơ dẫn tới tình trạng đột quỵ, đột tử của các VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Nếu như một mẫu khám sức khỏe để tuyển dụng lao động do Bộ Y tế quy định thì có thể thấy các mục tương đối đầy đủ nhưng nếu xét về mặt chiều sâu đối với VĐV chuyên nghiệp thì phải bổ sung thêm rất nhiều.

Ví dụ như với một VĐV điền kinh thì các cơ quan quản lý VĐV hay cơ sở y tế cần phải xác định được đâu là các  yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương hay tình trạng bệnh lý cấp tính như đột khụy, đột tử. Ngoài ra, mỗi môn thể thao đều có những tính chất vận động đặc thù riêng và do tính đặc thù đó nên các cơ sở y tế cần xác định được đâu là mức giới hạn vận động an toàn cho VĐV đó.

* Thưa bác sỹ, phải chăng một số đơn vị thể thao hay VĐV vì lý do chạy theo thành tích nên còn chủ quan, lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe cho các VĐV?

- Trước hết, đối với một VĐV chuyên nghiệp, vấn đề thi đấu và thành tích thể thao nhiều khi quyết định tới toàn bộ tới cuộc sống của VĐV đó. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, VĐV đó sẽ vượt lên những khó khăn về tinh thần cũng như thể chất để có thể cố gắng thi đấu làm sao đạt thành tích cao nhất. Và chính ở thời điểm thi đấu trên, VĐV phải đối mặt với nguy cơ đột tử rất cao.

Vì vậy, bản thân các VĐV cũng như các cơ sở y tế phải tuân thủ đúng các quy trình kiểm tra sức khỏe. Vấn đề ở đây là chúng ta đã làm triệt để, chặt chẽ các quy trình đó hay chưa mà thôi? Trên thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập phát sinh trong quá trình này mà chúng ta cần thêm thời gian với sự phối hợp chặt chẽ, rõ ràng, nghiêm túc giữa VĐV, cơ quan quản lý, đơn vị thể thao cũng như các cơ sở y tế…

* Có một thưc tế là bên cạnh sự quan tâm chưa thực sự toàn diện của các đơn vị chủ quản thì không ít bản thân các VĐV còn thờ ơ, coi nhẹ việc kiểm tra sức khoẻ. Như chúng ta biết, đã có nhiều trường hợp đột tử rất đau lòng đã diễn ra.

 - Với bất cứ VĐV nào dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư thì yếu tố đảm bảo về an toàn sức khỏe, tính mạng vẫn là điều quan trọng hàng đầu.
Các VĐV nhất là những VĐV chuyên nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm tra sức khỏe với 3 quy trình cụ thể. Thứ nhất, tiến hành kiểm tra trước khi cơ sở thể thao tiếp nhận VĐV.

Thứ 2, tiến hành kiểm tra khi kết thúc một chu kỳ huấn luyện. Thứ 3, tiến hành kiểm tra đột xuất nghĩa là vì một số lý do nào đó bất thường thì người ta sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu thực hiện tốt những bước trên thì rõ ràng nguy cơ VĐV đột quỵ trong tập luyện và thi đấu sẽ giảm đi rất nhiều.

Hiện nay, tại cơ sở y tế từ cấp tỉnh, thành phố đã có đủ các chuyên khoa như thần kinh, nội tiết, tim mạch…để có thể kiểm tra, đánh giá tương đối chính xác và toàn diện sức khỏe của VĐV. Ngoài ra các bác sỹ của các trường Đại học TDTT, Trung tâm huấn luyện TDTT, Bệnh viện TDTT đều có thể phối hợp để khám sức khỏe chuyên sâu cho các VĐV.

 * Cuối cùng, thưa bác sỹ, đối với một người bình thường làm thế nào để họ có thể hạn chế một cách tối đa nguy cơ bị đột quỵ trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao?

- Với những người tập luyện thể thao bình thường mà họ không có điều kiện được thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì trước khi tham gia tập luyện cần mấy điều như sau:

Thứ nhất, lựa chọn môn thể thao yêu thích và phù hợp với thể trạng sức khỏe. Giữa 2 yếu tố yêu thích và phù hợp không phải lúc nào cũng đi liền nhau. Ví dụ, tôi thích bóng đá nhưng sức khỏe tôi không cho phép thì chọn những môn thể thao nhẹ nhàng hơn.

Thứ hai, người tập luyện thể thao cấn có kế hoạch tập luyện khoa học và phù hợp với thể chất.

Thứ ba, họ phải biết lắng nghe phản ứng của cơ thể. Tức là, trong quá trình tập luyện và thi đấu một khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường như  cảm thấy mệt mỏi, đánh trống ngực, đau cơ xương khớp, rối loạn ăn uống… thì lúc đó phải cần tới sự tham vấn của các chuyên gia y tế.

* Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi!
Huy Hùng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›