(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT về sự đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của thể thao Việt Nam (TTVN) những năm vừa qua. Theo khẳng định của đại diện lãnh đạo ngành thể thao, các cơ quan truyền thông và báo chí đã luôn đồng hành hỗ trợ và có những đóng góp hết sức quan trọng vào sự lớn mạnh và phát triển của nền thể thao nước nhà.
- Thể thao & Văn hóa: Thưa bà Lê Thị Hoàng Yến, bà đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của Thể thao Việt Nam trong những năm vừa qua?
+ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Hoàng Yến: Truyền thông nói chung và báo chí nói riêng đã có sự đóng góp hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử của Thể thao Việt Nam.
Kể từ ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38, thành lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục - cơ quan quản lý nhà nước chính thức đầu tiên về Thể dục thể thao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng ngày, trang nhất tờ báo Cứu Quốc đăng tải Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch với tựa đề: “Sức khỏe và Thể dục” - là bài báo về thể dục thể thao cách mạng đầu tiên do chính Người viết.
Kể từ đó tới nay, sự nghiệp TDTT cách mạng luôn nhận được sự đồng hành, gắn bó và hỗ trợ tích cực của báo chí. Thông qua việc truyền tải thông tin tới đông đảo bạn đọc, các cơ quan báo chí để vẽ nên bức tranh toàn cảnh sinh động về sự nghiệp thể dục thể thao nước nhà. Từ đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và xây dựng lối sống tích cực lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Khích lệ, động viên và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức khỏe tạo khí thế mới trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh.
Báo chí cũng góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước - con người Việt Nam trên trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập, đồng hành cùng Thể thao Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới về thành tích tại các đại hội, giải đấu quốc tế trong phạm vi khu vực, châu lục và thế giới. Những năm qua, báo chí cũng tích cực đấu tranh, phê phán những mặt trái, phê bình những yếu kém, những tư tưởng lệch lạc như “bệnh thành tích”, sự lơi lỏng giáo dục tư tưởng, đạo đức VĐV, HLV, phát hiện nhiều tiêu cực ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng trong hoạt động TDTT... Bởi vậy, báo chí thể thao không chỉ là một người bạn trung thành, gắn bó, là kênh thông tin hữu hiệu mà còn là người giám sát, là tiếng nói của công chúng, là tiếng nói phản biện trong tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp TDTT.
- Báo chí đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền thể thao nước nhà trong nhiều năm qua và điều này thể hiện qua sự gắn bó mật thiết giữa ngành TDTT với các cơ quan báo chí. Ngành đã có những hỗ trợ như thế nào để các cơ quan báo chí thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp trong thời gian qua?
+ Trong nhiều năm qua, ngành TDTT luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khả năng của mình để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí và các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, cũng như việc được tiếp cận và chia sẻ thông tin trong các hoạt động của toàn ngành. Ngành thể thao cũng đã xây dựng được các quan hệ, hợp tác với nhiều cơ quan báo chí thông qua việc phối hợp tuyên truyền, thông tin và tổ chức nhiều sự kiện khác nhau ở lĩnh vực thể thao.
Đến nay, nhiều sự kiện và giải đấu thể thao trong hệ thống thi đấu của Thể thao Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, đặc biệt sự hỗ trợ của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… tạo nên tác động tích cực tới sự phát triển của thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao dưới nhiều góc độ. Đồng thời, thu hút sự quan tâm và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của khán giả và người hâm mộ.
Trong thời gian tới, ngành thể thao mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Tất cả vì mục đích chung là sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của thể thao nước nhà.
- Thông tin thể thao đã và đang là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đông đảo người hâm mộ, tuy nhiên, có một thực tế là vẫn xuất hiện nhiều thông tin thiếu khách quan và có sự chênh lệch khá lớn giữa thông tin về bóng đá với các lĩnh vực khác của ngành TDTT có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh, cũng như sự phát triển đồng bộ của Thể thao Việt Nam. Vậy ngành thể thao có mong muốn gì đối với các quan báo chí để khắc phục tình trạng này?
+ Thực tế hiện nay, việc xuất hiện nhiều thông tin về bóng đá so với các môn thể thao hoặc các hoạt động khác của ngành thể thao, tôi nghĩ điều đó xuất phát từ nhu cầu của người hâm mộ và các cơ quan báo chí đáp ứng nhu cầu đó cũng là điều dễ hiểu.
Dù vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí ủng hộ cho ngành thể thao trong việc truyền tải các thông tin về sự hữu ích từ tập luyện TDTT, gương người tốt việc tốt, gương VĐV, HLV vượt khó giành thành tích cao… để tạo nguồn cảm hứng cho mọi người cùng tham gia vào lĩnh vực thể thao.
Bên cạnh đó, ngành thể thao luôn thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội để hoàn thiện các hoạt động của mình. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi về các ý kiến phản biện từ xã hội để cung cấp thông tinh chính xác, khách quan nhất tới người hâm mộ, từ đó, tạo nên sức bật cho Thể thao Việt Nam.
- Có một điều khá thú vị là bà từng xuất thân từ một phóng viên thể thao và nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, bà muốn chia sẻ điều gì đối với những người làm báo, nhất là ở lĩnh vực thể thao trong ngày đặc biệt này?
+ Tôi rất vui mừng khi thấy đội ngũ phóng viên, nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông thể thao ngày một đông đảo hơn và giỏi nghề hơn. Đứng trước sự phát triển của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng đòi hỏi sự vận động và nỗ lực của các cơ quan báo chí nói chung và đội ngũ những người làm báo nói riêng để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người hâm mộ.
Nhân dịp ngày 21/6, tôi xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí nói chung. Với riêng đội ngũ phóng viên, nhà báo thể thao, mong mọi người luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp, có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng với thể thao, không chỉ ở việc đưa tin, viết bài mà còn tham gia tập luyện thể thao để truyền cảm hứng tới tất cả mọi người.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
Thể thao & Văn hóa (thực hiện)