(Thethaovanhoa.vn) - Kình ngư gốc Cần Thơ chính thức giải nghệ trước kỳ SEA Games 31 trên sân nhà vào năm tới là điều khiến đông đảo người hâm mộ bất ngờ và tiếc nuối. "Cô gái Vàng" Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo dựng hàng loạt kỳ tích và bất chợt chia tay, để lại những khoảng trống mênh mông cho thể thao nước nhà.
1. Ánh Viên vẫn quyết định bảo lưu tuyên bố giải nghệ của cô trước thềm SEA Games 31, bất chấp những lời khuyên và mong muốn kình ngư 25 tuổi tiếp tục cống hiến cho Thể thao Việt Nam ít nhất là đến Đại hội thể thao khu vực diễn ra ở sân nhà vào tháng 5/2022.
“Cô gái vàng” của Thể thao Việt Nam có vẻ đã cạn kiệt đam mê và chạm giới hạn tổn thương sau những gì bản thân gặp phải thời gian qua. Từ mùa dịch bệnh Covid-19 khiến Ánh Viên không thể thoải mái tập luyện, thi đấu, kèm theo những hoài nghi, chỉ trích, đòi hỏi về thành tích… đã khiến nữ kình ngư có biệt danh "Tiểu tiên cá" này đối diện với đầy rẫy áp lực, trầm cảm và cuối cùng phải buông bỏ tất cả để trở lại làm một người bình thường.
Hào quang bây giờ với Ánh Viên đã không còn là sức hấp dẫn. Cô gái gốc Cần Thơ muốn tận hưởng thời gian của cô sinh viên có thể học tập bình thường và trở về thăm gia đình, ăn bữa ăn mình yêu thích, sinh hoạt như chúng bạn… tất cả những điều vốn là xa xỉ với kình ngư sinh năm 1996 đã quen với nề nếp quân ngũ và xa nhà triền miên để sống với đam mê bơi lội.
Đội tuyển bơi Việt Nam và xa hơn là nền thể thao đã thấy trước một viễn cảnh hao hụt hàng loạt huy chương mà Ánh Viên có thể mang về cho đất nước. Tròn 10 năm kể từ khi ra mắt ở SEA Games 26 năm 2011, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt tới 66 huy chương các loại (44 HCV, 11 HCB và 11 HCĐ) để ghi danh vào lịch sử thể thao nước nhà.
Ánh Viên chính là “người khổng lồ” ở đấu trường SEA Games khi các đối thủ chỉ cần... nhìn thấy cô xuất hiện trên đường đua xanh xem như đã ngao ngán. Với 25 HCV ở sân chơi này, Ánh Viên là VĐV thành công thứ 5 trong lịch sử Đại hội khu vực. Kình ngư gốc Cần Thơ cũng từng vô địch giải châu Á, HCB World Cup và HCĐ Đại hội thể thao châu Á ASIAD. Tuy vậy, Ánh Viên không thể chạm tới đỉnh cao ở giải vô địch thế giới và Olympic. Đây chính là chi tiết khiến cô gái sinh năm 1996 này phải chịu thiệt thòi. Dần dà, từ giới quản lý chuyên môn, tới không ít người hâm mộ đòi hỏi cao hơn với Ánh Viên sau những danh hiệu mà cô quá dễ dàng giành được ở đấu trường khu vực.
2. Dù chia tay đường đưa xanh, nhưng Ánh Viên vẫn là tên tuổi hiếm hoi của Thể thao Việt Nam cùng với những Tiến Minh (cầu lông), Quang Liêm (cờ vua)… có thể cạnh tranh sòng phẳng ở đẳng cấp cao với các đối thủ hàng đầu thế giới.
Thành công từ tuổi 15 của Ánh Viên đã giúp cô có được khoản đầu tư khổng lồ 30 tỷ đồng gần chục năm qua từ Tổng cục TDTT. Đây là điều chưa có tiền lệ với một VĐV đỉnh cao, và nó xứng đáng đặc biệt với kình ngư trưởng thành trong môi trường Quân đội. Cũng cần nói thêm rằng, với các VĐV nữ, họ đạt tới đỉnh cao trong độ tuổi trên dưới 20 và rất khó có thể tiến xa hơn ở độ tuổi ngoài 22.
Ánh Viên dù vậy vẫn muốn chiến thắng suy nghĩ thông thường. Nhưng thời gian cũng không tỷ lệ thuận với sự sung mãn về thể lực cũng như khát khao sống với đam mê, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu hướng về mình.
Kình ngư 3 lần dự Olympic đạt tới đỉnh cao nhất sự nghiệp năm 2017, thời điểm cô 21 tuổi. Ở SEA Games 29 tại Malaysia, Ánh Viên đã lập 5 kỷ lục và đó cũng là thời điểm cô gái Cần Thơ không thể vượt qua giới hạn bản thân.
Sự thất vọng đến đỉnh điểm với Ánh Viên khi đến Nhật Bản dự Olympic Tokyo vừa qua. Ánh Viên chỉ đạt 2 chuẩn B nội dung 200m và 800m tự do. Thành tích ở cả 2 nội dung này lần lượt đứng thứ 25 và 30, và Ánh Viên thực sự muốn giã từ đường đua xanh.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã tiết lộ Ánh Viên muốn giải nghệ từ năm 2020. Tuy nhiên, cô đã cân nhắc lời khuyên và quyết định thi đấu cho đến sau Olympic Tokyo 2021. Và như đã đề cập, Ánh Viên không còn động lực cống hiến cho Thể thao Việt Nam sau khi lắng nghe tiếng nói từ bản thân mình.
3. Trên thực tế, Ánh Viên vẫn còn có thể là “mỏ Vàng” của đội tuyển bơi Việt Nam khi được thi đấu trên sân nhà tại SEA Games 31. Thành tích của kình ngư Cần Thơ vẫn tốt so với đối thủ cùng khu vực và Ánh Viên hoàn toàn có thể nâng cao kỳ tích bản thân, đóng góp cho thành tích toàn đoàn. Ngoài ra, Ánh Viên cũng có thể tranh tài ở ASIAD 2022 và chinh phục HCĐ như đã làm được năm 2014.
Tuy vậy, quyết định cuối cùng của Ánh Viên vẫn cần được tôn trọng. 10 năm cống hiến cho Thể thao Việt Nam, Ánh Viên mất nhiều nhưng cũng được không ít. Với một VĐV chấp nhận theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao và giành đến 200 HCV các giải trong và ngoài nước, Ánh Viên đã được tưởng thưởng không ít khi được đề xuất phong quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá Quân đội (từ sau SEA Game 2017). Cô cũng là VĐV duy nhất được đầu tư số tiền lớn nhất sau nhiều năm để yên tâm tập luyện, thi đấu.
Sự chia tay của Ánh Viên chắc chắn khiến ngành thể thao thiệt thòi trước mắt khi nhiều năm qua, thành tích Top 3 chung cuộc của đoàn Việt Nam tại SEA Games (vượt mặt Thái Lan) đều có đóng góp của cô gái quê Cần Thơ. Sau Ánh Viên, bơi Việt Nam chỉ còn cái tên sáng giá Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên, nam kình ngư sinh năm 2000 khó vươn tới đẳng cấp của Ánh Viên khi chỉ có sở trường ở vài cự ly bơi đường trường.
Ánh Viên đã 3 lần liên tiếp gần nhất được bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 28, 29 và 30. Nhà vô địch Olympic Joseph Schooling (kình ngư số 1 Singapore) từng bị Ánh Viên đánh bại ở danh hiệu này tại đấu trường khu vực cho biết: “Cô ấy đã thực hiện mọi thứ một cách chuẩn mực, tôi chưa từng thấy một VĐV nào làm được như vậy. Ánh Viên có một trái tim thép, tinh thần thi đấu vô cùng tuyệt vời”. Còn tờ The Straits Times của Singapore viết: “Ánh Viên là VĐV giá trị nhất của đoàn thể thao Việt Nam”. Ánh Viên đã đem về nhiều kỷ lục cho bơi Việt Nam, như huy chương đầu tiên tại ASIAD ở Incheon 2014, hay HCV châu Á ở Tokyo 2016. Năm 2011 khi mới 15 tuổi, Ánh Viên được biết đến với 10 HCV Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc, 7 trong số đó là kỷ lục quốc gia. Đến Giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á sau đó, Ánh Viên tiếp tục phá 2 kỷ lục khu vực và giành 6 HCV cùng danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất. Ánh Viên ra mắt ở SEA Games 26 tại Indonesia và giành được 2 HCB nội dung 100m bơi ngửa và 400m hỗn hợp. Năm 2012, Ánh Viên phá chuẩn B Olympic ở nội dung 200m bơi ngửa với thời gian 2 phút 13 giây 66, giành HCV, vượt 4 chuẩn B Olympic tại Giải bơi lội Đông Nam Á. Ánh Viên lần đầu dự Olympic London 2012 với 2 nội dung 200m bơi ngửa và 400m bơi hỗn hợp cá nhân. Năm 2013, Ánh Viên tiếp tục có 3 HCV và 1 HCB tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần 2 diễn ra ở Nam Ninh, Trung Quốc. Đến SEA Games 27 diễn ra ở Myanmar, cô còn đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam khi trở thành nữ VĐV đầu tiên giành được tấm HCV môn bơi lội sau 54 năm (từ SEAP Games đầu tiên vào năm 1959). SEA Games lần này cũng chứng kiến cô gái sinh năm 1996 giành được 6 huy chương (3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), phá 2 kỷ lục SEA Games ở các cự ly 200m ngửa (2 phút 14 giây 80) và 400m hỗn hợp (4 phút 46 giây 16). Năm 2014, Ánh Viên đoạt HCV Olympic trẻ nội dung 200m hỗn hợp và 2 HCĐ nội dung 200m ngửa, 400m hỗn hợp tại ASIAD Incheon. Ở SEA Games 2015, Ánh Viên có 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 8 kỷ lục. Tại Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới 2015 ở Hàn Quốc, Ánh Viên giành 1 HCV nội dung 200m hỗn hợp, 1 HCB nội dung 800m tự do, 1 HCĐ nội dung 200m ngửa. Năm 2017, Ánh Viên tiếp tục có thêm 8 HCV SEA Games 29. Đến năm 2019, Ánh Viên đã khóc vì không đạt 8 HCV mà chỉ còn 6 HCV SEA Games 30. |
Việt Hà
Tags