Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Từ bài toán của sân Mỹ Đình

Thứ Hai, 14/04/2025 07:35 GMT+7

Google News

Vấn đề của sân vận động quốc gia Mỹ Đình trầm trọng đến mức mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phải ra văn bản yêu cầu Bộ VH, TT&DL có phương án nâng cấp và khai thác hiệu quả để báo cáo vào ngày 15/4 sắp tới. Trước mắt, Bộ đã duyệt chi hơn 8 tỷ đồng để sửa chữa mặt sân. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề sân Mỹ Đình không phải là mặt cỏ.

Tất cả các sân bóng lớn nhất thế giới đều không chỉ dành riêng cho các trận bóng đá. Từ sân quốc gia như Wembley cho đến sân của CLB số 1 thế giới như Bernabeu của Real Madrid đều khai thác thương mại hết công suất, mặc dù đó đều là những "thánh đường" bóng đá. Nói cách khác, việc cho thuê sân để tổ chức sự kiện không liên quan gì đến hư hỏng mặt cỏ. Vấn đề nằm ở chỗ là không có phương án bảo vệ mặt cỏ cho sân bóng đá dù được thiết kế đa môn, đa năng.

Và chắc chắn đây không phải là chuyện riêng của sân Mỹ Đình. Chúng ta vốn dĩ đã không có các cơ sở vật chất mang tính chuyên biệt, nhưng khi xây dựng các công trình hỗn hợp, thì lại gần như không có phương án cụ thể cho từng trường hợp.

Mẫu số chung của các sân bóng vẫn là đường chạy điền kinh bao quanh mặt sân cỏ nhưng diện tích của cả 2 đều được thiết kế ở mức tối thiểu. Điều đó dẫn đến việc đường chạy trở thành nơi sử dụng "công cộng" trong khi nó cần được bảo dưỡng đặc thù. Vì dùng chung như vậy, không hỏng mặt cỏ thì cũng hỏng đường chạy.

Rồi cũng vì không có phương án cụ thể nên việc khai thác làm sao cho hiệu quả các cơ sở vật chất ấy trở thành một bài toán mà chẳng ban quản lý sân nào có thể giải được. Không ai biết, liệu chi phí thuê sân để tổ chức một sự kiện âm nhạc đã có tính đến số tiền sửa chữa khi hư hại hay không? Rồi liệu khi tính hết tất cả các khoản ấy vào, thì có cho thuê được không?

Chuyên đề “Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic”: Từ bài toán của sân Mỹ Đình  - Ảnh 1.

Chất lượng mặt cỏ của sân Mỹ Đình đã đến mức độ không đủ điều kiện tổ chức thi đấu tại ASEAN Cup 2024 vừa qua. Ảnh: Hoàng Linh

Thực tế thì ngay tại sân Mỹ Đình, áp lực phải tìm kiếm nguồn thu để chi trả cho hoạt động bảo dưỡng lớn đến mức ban quản lý sẵn sàng cho thuê 1/4 sân để tổ chức một sự kiện bóng đá phong trào. CLB Thể Công Viettel nghe tin này đã phải vội vã cử người xuống giám sát vì họ có trận đấu V-League vào cuối tuần.

Thể Công Viettel cũng ở thế khó, không thông cảm cho ban quản lý cũng không được vì họ chỉ cho thuê một phần sân, nhưng đúng là chất lượng mặt sân sau sự kiện đó suýt nữa đã không thể tổ chức trận đấu V-League.

Ví dụ này cho thấy triển vọng để thể thao Việt Nam có những cơ sở vật chất hàng đầu châu lục ngày càng xa vời mà sự trì hoãn gần 30 năm của khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc – TP.HCM là một minh chứng. Bài toán đặt ra là xây mới như thế nào để có thể khai thác hiệu quả và bền vững. Từ đó mới tính đến việc cần bao nhiêu tiền để xây theo tiêu chí đó.

Có thể lấy thêm ví dụ của Hồ bơi Phú Thọ tại TP.HCM. Đây là cơ sở vật chất hàng đầu Đông Nam Á khi mới khánh thành, từng được kỳ vọng sẽ là "địa chỉ đỏ" của làng bơi Việt Nam, bao gồm cả công tác đào tạo tài năng và thi đấu quốc tế, nhưng hiện tại gần như không dùng cho thi đấu mà chủ yếu khai thác kinh doanh để phục vụ cho hoạt động bảo dưỡng. Vì phải "tận thu" nên ngoài khu vực bể bơi là có liên quan đến… bơi lội, phần còn lại của hồ bơi này đều phục vụ cho các mục đích khác trong một khuôn viên rộng gấp nhiều lần bể bơi.

Hy vọng ngành thể thao và ban quản lý sân Mỹ Đình có được một phương án hợp lý để trình Thủ tướng Chính phủ, qua đó tạo hành lang thuận lợi cho công tác quản lý và khai thác các cơ sở vật chất thể thao quy mô lớn. Có như vậy thì mới nghĩ đến chuyện sẽ có thêm các công trình mới.

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›