(Thethaovanhoa.vn) - Hành trình tìm kiếm suất chính thức tham dự Thế vận hội Olympic mùa Hè 2020 đã và đang được đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) triển khai thông qua các cuộc thi đấu tuyển chọn kể từ đầu năm 2019 với ít nhiều lo lắng, khi tới thời điểm này mới chỉ có duy nhất kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành vé tới Tokyo.
Khó vượt mốc 23 suất
Tại kỳ Thế vận hội trước, đoàn TTVN có 23 tuyển thủ ở 10 môn gồm điền kinh (2 VĐV), bơi (2), cử tạ (4), đấu kiếm (4), thể dục (2), bắn súng (2), vật (2), judo (1), cầu lông (2) và rowing (2). Thành tích này cũng là kỷ lục về số lượng tuyển thủ giành vé chính thức trong lịch sử các kỳ tham dự Thế vận hội của TTVN và nếu lấy cột mốc 23 suất dự Olympic 2016 làm chỉ tiêu cho đoàn TTVN tại Olympic 2020 thì để hoàn thành được cũng hết sức khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện phấn đấu để vượt chỉ tiêu.
Nhận định này đưa ra trên cơ sở, không dưới 5 tuyển thủ từng giành vé ở các môn cầu lông, cử tạ, judo tại Olympic 2016 hiện không còn giữ được phong độ cao hoặc có trường hợp đã nghỉ thi đấu. Bên cạnh đó, lực lượng của TTVN không xuất hiện thêm nhiều gương mặt đạt tới trình độ châu lục và thế giới trong 3 năm vừa qua và bản thân các VĐV từng giành vé hiện cũng chưa cho thấy bước tiến vượt bậc về thành tích trong bối cảnh chuẩn thành tích tham dự Olympic 2020 được nâng lên (ở môn điền kinh, bơi) và các cuộc thi đấu tính điểm thì ngày một khó khăn hơn khi hầu hết trình độ của VĐV các nước đều tiến bộ.
“Tại Olympic 2016, TTVN có 23 VĐV vượt qua vòng loại nhưng mỗi chu kỳ là khác nhau, đặc biệt phải căn cứ vào điều kiện cụ thể là trình độ VĐV. Vì thế, nếu lấy chỉ tiêu của kỳ đại hội trước áp dụng vào đại hội này, đặc biệt là ở đấu trường Olympic thì thực sự rất khó khăn. Ngành thể thao không đặt ra chỉ tiêu hay con số cụ thể đối với mục tiêu giành vé dự Olympic 2020 mà chúng tôi nỗ lực để giành tối thiểu 20 suất tham dự”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết.
theo lời ông Trần Đức Phấn, việc các tuyển thủ vượt qua vòng loại, được góp mặt tại kỳ Thế vận hội cũng đã là một vinh dự rất lớn đối với TTVN. Để đến được với Olympic, đòi hỏi VĐV phải đạt trình độ dẫn đầu một khu vực hay châu lục mới có hi vọng. TTVN trên thực tế chưa có nhiều nhà vô địch châu lục ở các môn Olympic và đó là lý do tại sao việc giành được vé dự Thế vận hội đã là thách thức rất lớn.
Thời gian vẫn còn nhưng…
Quá trình chuẩn bị giành vé dự Olympic 2020 của TTVN được triển khai thực hiện ngay sau Olympic 2016 thông qua bản danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm. Bản danh sách này được điều chỉnh hàng năm, thông qua thành tích cụ thể và đánh giá chuyên môn của từng người ở từng nội dung. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2019, TTVN có 66 VĐV trọng điểm ở 18 môn thể thao và trừ đi 6 VĐV ở môn Wushu và Pencak Silat, còn lại tròn 60 VĐV ở 16 môn để chuẩn bị cho Olympic.
Như vậy, dù chiến dịch săn vé Olympic 2020 của cả nền thể thao, nhưng thực tế, sự thành bại chủ yếu tập trung và phụ thuộc vào kết quả thi đấu các cuộc thi đấu tuyển chọn của 60 tuyển thủ ở 16 môn thể thao trọng điểm. Đối với các môn có thể đo đếm thành tích như bơi và điền kinh, ngoài trường hợp của Nguyễn Huy Hoàng vừa có vé nhờ vượt chuẩn A nội dung 800m tự do nam, mới chỉ có Quách Thị Lan nhen lên hi vọng ở cự ly 400m nữ với thành tích 55 giây 30 so với chuẩn A 55 giây 40. Với các môn còn lại, tất cả sẽ phải trải qua các cuộc thi đấu tính điểm hoặc giành thành tích cao đối với các môn đối kháng từ 60 niềm hi vọng.
Theo lịch thi đấu đã công bố, TTVN sẽ còn khoảng gần 1 năm để hiện thực hóa mục tiêu giành tối thiểu 20 vé khi toàn bộ các cuộc thi đấu tính điểm sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2020. Quãng thời gian này không còn nhiều nhưng cũng không quá ít và quan trọng là kế hoạch thi đấu của từng VĐV ở từng môn đều đang được thực hiện dưới sự giám sát thường xuyên của ngành thể thao.
“Các cuộc thi đấu tại vòng loại được đánh giá là ngày một khó khăn hơn nhưng đây là thực tế mà các tuyển thủ phải đối mặt. Có những VĐV được tạo điều kiện tập huấn nước ngoài hoặc tập huấn trong nước với các chuyên gia giỏi tùy thuộc vào đặc thù từng môn nhưng yêu cầu đặt ra là phải vượt khó để nâng cao thành tích. Với các môn có thể đo đếm thành tích thì cứ đạt chuẩn là có vé, còn với những môn tính điểm hoặc đối kháng thì phải chờ đợi thêm”, ông Phấn chia sẻ.
Thời gian vẫn còn cho TTVN trong việc hoàn thành mục tiêu giành vé tới Olympic và việc mới chỉ có 1 tấm vé duy nhất của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng một phần do sự rải rác về thời gian của các cuộc thi đấu còn lại ở những môn khác. Nhưng nói như vậy, không đồng nghĩa với việc những khó khăn đã vơi bớt phần nào với TTVN và nếu có được 20 vé dự Olympic từ 60 niềm hi vọng cũng có thể được coi là thành công với TTVN ở thời điểm hiện tại.
Nỗi khổ "nghèo" của TTVN Sự phát triển về thành tích là đòi hỏi hoàn toàn tất yếu của người hâm mộ nhưng thực tế TTVN vẫn rất cần được chia sẻ do những khó khăn về nhiều mặt, trong đó cơ sở vật chất là yếu tố hàng đầu. Bắn súng được coi là một điển hình cho sự khó khăn chung của TTVN, bởi dù là môn từng đem về 1 HCV, 1 HCB lịch sử ở Olympic 2016 nhưng đến giờ TTVN vẫn chưa có được 1 trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế và thường xuyên rơi vào cảnh thiếu đạn tập luyện. Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh vẫn phải thường xuyên tập huấn nước ngoài khi dự án xây dựng trường bắn với bia điện tử tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn đang “đắp chiếu” trên giấy tờ. Nếu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 4 đồng đội trong danh sách trọng điểm được ưu tiên tập huấn nước ngoài thì đương nhiên, kinh phí của bộ môn bắn súng sẽ gần như chẳng còn đồng nào cho việc đầu tư nâng cao trình độ cho các xạ thủ trẻ. Thực trạng này kéo dài, bắn súng dần khan hiếm tài năng và đến lúc nào đó, Olympic sẽ chỉ còn là giấc mơ với các xạ thủ Việt Nam dù chúng ta đã từng có HCV và HCB. Thực trạng nhà tập cũ lạc hậu, thiếu trang thiết bị tập luyện, điều kiện tập luyện không đảm bảo diễn ra ở nhiều môn thể thao và làm ảnh hưởng rất lớn tới việc nâng cao trình độ và công tác đào tạo trẻ. Thế nên cũng đừng quá ngạc nhiên khi thành tích của TTVN tại các đấu trường lớn rất thất thường chỉ sau một chu kỳ vài năm. |
Vũ Lê
Tags