- Tác động nguy hiểm của văn hóa độc hại 'về dáng sau sinh': Khi nhu cầu thực sự của phụ nữ bị gạt qua một bên chỉ vì con số trên bàn cân
- "Công xưởng" ôn thi đại học khắc nghiệt nhất Trung Quốc: Học 17 tiếng/ngày, con vi phạm cha mẹ cũng bị phạt
- Chuyện ít biết về cựu Thái tử ‘nam thần’ xuất hiện bên David Beckham: Đẹp trai, xuất chúng nhưng quyết từ chối ngôi vương
Ở Trung Quốc, những người nổi tiếng trên mạng đang góp phần phá vỡ định kiến ông bà nên ở nhà và phụ giúp công việc nội trợ.
Người phụ nữ 65 tuổi khom người ôm bó rau xà lách đứng trên đồng ruộng. Hai người bạn phía sau lắc lư, ôm dưa chuột và củ cải. "Xà lách thối rồi, là tôi đã không chăm sóc chu đáo, nhổ lên và ăn đi, thực hiện sự tự do của kẻ ăn hàng", Quách Nghĩa Phân, người phụ nữ cầm rau xà lách, rap vài câu với tông giọng trầm và khàn.
Trên Douyin (TikTok Trung Quốc), bộ ba "Chị em nhà họ Vương đến rồi" (Sister Wang is Coming) nổi tiếng với những video vui tươi. Bà Quách và 2 đồng đội, Vương Thụ Bình (64 tuổi) và Vương Tú Vinh (66 tuổi) có hơn nửa triệu người theo dõi trên tài khoản Douyin.
“Thời thế đang thay đổi, chúng tôi cũng phải theo kịp và hòa nhập với xã hội”
Bộ ba chị em họ Vương này là một trong số ngày càng nhiều người Trung Quốc lớn tuổi trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ chia sẻ cuộc sống hàng ngày. Người thì hát hò, người thì nhảy múa truyền thống và người thì tự tin sải bước trên đường như sàn catwalk… Độ tuổi 60-70-80 đều có đủ.
Trung Quốc có hơn 260 triệu người trên 60 tuổi, trở thành quốc gia có dân số già nhiều nhất và tăng nhanh nhất thế giới. Gần một nửa số người này bắt đầu chọn cách chia sẻ cuộc sống trên mạng xã hội, một là để kiếm tiền, hai là tìm kiếm chút vui vẻ cuối đời. Họ thuộc thế hệ những người về hưu mới của Trung Quốc, có ít cháu hơn các thế hệ trước, được tự do tài chính để theo đuổi sở thích và chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến.
Ở Trung Quốc, những người nổi tiếng trên mạng đang góp phần phá vỡ định kiến ông bà nên ở nhà và phụ giúp công việc nội trợ (dọn dẹp, nấu nướng và chăm sóc cháu), trong khi con cái trưởng thành đi làm kiếm tiền. Song một số người lớn tuổi về hưu thời nay lại không thể có cháu vì ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc không muốn kết hôn, lập gia đình.
"Chứng kiến cha mẹ mình già đi, chúng tôi nghĩ rằng mình nên sống khác với họ". Tôn Dương (66 tuổi), một giáo viên tiếng Anh đã nghỉ hưu hơn 10 năm trước, và 3 người bạn của bà cùng lập thành nhóm "Những người bà thời trang" (The Glamma Beijing) và nổi tiếng trên mạng xã hội. Bộ bốn đi catwalk trong trang phục cổ điển và hiện đại, xen kẽ với các mẹo tạo kiểu tóc và lời khuyên hàng ngày.
“Chúng tôi đang làm những điều mà trước đây bản thân chỉ có thể mơ ước mà không làm được”, Tôn Dương nói. Phần lớn trong số hơn 2 triệu người theo dõi của "Những người bà thời trang" ở độ tuổi 50 và 60. Một số người còn liên hệ đến để 4 bà cho lời khuyên về cách làm sao để qua đi nỗi sợ tuổi già.
Theo dõi "Những người bà thời trang", thỉnh thoảng bạn sẽ thấy hình bóng gia đình của họ. Con dâu của Tôn Dương quản lý các tài khoản mạng xã hội và cháu gái 6 tuổi thường giúp bà quay video.
Trong các video của "Chị em nhà họ Vương đến rồi", bà Quách và 2 người bạn chạy trên cánh đồng, chơi khăm nhau hoặc nằm mơ mộng trên bãi cỏ. Họ hát rap, thể hiện tình yêu nấu nướng và thưởng thức ẩm thực. Đó là một thế giới khác xa với cuộc sống hàng ngày của họ - làm mẹ, làm vợ, nuôi con và chăm sóc chồng.
“Thời thế đang thay đổi, chúng tôi cũng phải theo kịp và hòa nhập với xã hội”, Lâm Vỹ (67 tuổi), cụ bà thuộc nhóm "Những người bà thời trang", từng là y tá, chia sẻ.
Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức về nhân khẩu học, bao gồm tỷ lệ kết hôn giảm mạnh và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, đã làm thay đổi các mô hình văn hóa về ý nghĩa của tuổi tác. Với một trong những độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, trung bình là 60 đối với nam và 55 đối với nữ, người cao tuổi Trung Quốc có nhiều thời gian để thử nghiệm những ý tưởng mới và sáng tạo trên mạng.
"Cuộc sống của các thế hệ trước chỉ giới hạn trong gia đình, xem TV và nuôi dạy con cái. Nhưng thế hệ hiện tại, với ít trách nhiệm chăm cháu hơn, nhiều thời gian rảnh rỗi và các hoạt động bên ngoài gia đình hơn, có nhiều bạn bè và cuộc sống xã hội hơn", Ngô Bội, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học New York, cho biết.
Đối với ba cụ bà mê ẩm thực, sống ở ngôi làng gần Bắc Kinh, các video như một cách để giết thời gian trong đại dịch. "Chúng tôi chỉ làm theo một số phong trào trong Douyin để tìm kiếm niềm vui", Vương Thụ Bình nói. Con trai của bà, Nhiệm Kế Hâm về thăm mẹ trong dịp năm mới. Anh nghĩ rằng mình có thể giúp mẹ và các cô cải thiện những đoạn video.
“Chúng tôi hát lạc điệu, sai lời”, Quách Nghĩa Phân nói. Nhiệm Kế Hâm là nhạc sĩ, đã gợi ý bộ ba nên rap thay vì hát và viết lời cho họ. Năm nay, tài khoản Douyin của bộ ba nhận được phản hồi tích cực. Nhiệm Kế Hâm đã trở về nhà, dành vài ngày mỗi tuần để viết, diễn tập và quay phim.
Vừa được vui vẻ, vừa có thể kiếm tiền
Tài khoản Douyin "Chị em nhà họ Vương đến rồi" kiếm được khoảng 10.000 NDT/tháng (gần 35 triệu đồng). Khoản này ban đầu không đủ trang trải cuộc sống cho cả 3 người, nhưng khi lượng theo dõi tăng lên đã thu hút sự quan tâm của nhiều công ty muốn quảng cáo.
"Những người bà thời trang" ở Bắc Kinh có thể kiếm nhiều tiền hơn khi livestream. Họ có thể kiếm được gần 200.000 NDT (hơn 690 triệu đồng) từ quảng cáo và hoa hồng bán hàng chỉ bằng những lần livestream. Trong một sự kiện vào tháng 8/2022, 4 cụ bà ngồi bên hồ nước trong một công viên ở Bắc Kinh và nói về tuổi trẻ của họ. Sự kiện này đã được 21.000 người theo dõi trực tuyến.
Đường Sĩ Khôn (86 tuổi), bắt đầu quay video đàn hát đăng tải trên tài khoản Douyin “Ông nội thích hát” vào năm 2020. Thời điểm đó, mỗi video đều có khoảng 1.000 người xem. Hiện tại chỉ có khoảng 20 người xem ông biểu diễn. Đường Nhuệ, cháu trai ông tìm hiểu và phát hiện rằng nội dung của ông quá đơn giản để được quảng cáo trên nền tảng Douyin.
Song điều này không khiến ông Đường bỏ cuộc. Ông Đường từng là kiểm sát viên tại một nhà máy quốc doanh và đã nghỉ hưu được 36 năm. Ông cho biết âm nhạc đã mang lại cho ông cảm giác thỏa mãn và ấm lòng kể từ khi chuyển từ vùng Đông Bắc Trung Quốc đến tỉnh Hải Nam vào năm 2019.
Đường Sĩ Khôn, vợ qua đời, cảm thấy rất cô đơn khi bắt đầu sống ở một thành phố xa lạ. Ca hát giờ đây đã trở thành trò tiêu khiển để ông Đường vui sống hết mình, quên đi những cảm giác trống trãi trước đó.
Một người hâm mộ nữ 50 tuổi đến từ tỉnh Vân Nam đã hỏi cháu trai của Đường Sĩ Khôn về tài khoản ngân hàng và chuyển cho ông Đường 15.000 NDT (hơn 52 triệu đồng).
Đường Sĩ Khôn cho biết kể từ khi ông đăng video lên mạng 2 năm trước, ông đã kiếm được 50.000 đến 60.000 NDT (hơn 170-200 triệu đồng) nhờ tiền ủng hộ của người hâm mộ.
"Tôi đánh đàn và hát cho vui, người nghe nhạc trên Douyin cũng cảm thấy vui theo. Tôi nghĩ người già nên có cách sống của riêng mình, đừng so đo tính toán, đừng ngồi một chỗ mỗi ngày. Hãy tìm kiếm sở thích để tận hưởng hạnh phúc", ông Đường cảm thán.
Nguồn: The New York Times
Tags