Theo một báo cáo công bố trên chuyên san của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), xuất phát từ quan sát dù kích thước cơ thể to lớn và có số lượng tế bào nhiều gấp 100 lần so với con người, ung thư ở loài voi là khá hiếm, chỉ khoảng 5% so với 11 đến 25% ở con người.
Nhóm bác sĩ ung bướu nhi khoa tại Viện Ung thư Huntsman thuộc Trường Y và Bệnh viện Nhi đồng của Đại học Utah (Mỹ) đã cộng tác với Vườn thú Hogle của bang Utah và Trung tâm Bảo tồn Voi tìm hiểu cơ chế này.
Họ lấy máu từ những con voi xiếc đã "nghỉ hưu" và cố ý làm hư hại ADN trong tế bào, một bước có thể dẫn tới ung thư và phát hiện ra rằng những tế bào này sau đó đã "tự sát".
Thành viên nhóm nghiên cứu - bác sĩ Joshua Schiffman kết luận rằng nếu giết chết những tế bào bị hư hại, nó sẽ biến mất và không thể biến thành ung thư.Điều này có thể là phương cách hữu hiệu để phòng ngừa ung thư hơn là cố gắng ngăn tế bào đột biến phân chia và không thể tự sửa chữa.
Ngoài ra, những tế bào của voi có thêm 38 bản sao biến dị (allele) của một gene mã hóa protein p53, một loại gene ức chế khối u, trong khi con người chỉ có hai bản sao p53. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết còn cần thêm những nghiên cứu khác để xác định xem p53 có trực tiếp bảo vệ voi khỏi bệnh ung thư hay không.
Tags