Báo cáo ngày 30/1 của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, mỗi năm thế giới lãng phí 129 tỷ USD (tương đương 10% chi tiêu toàn cầu cho các trường tiểu học) do chất lượng giáo dục yếu kém.
Bà Irina Bokova (I-ri-na Bô-cô-va), Tổng Giám đốc UNESCO, cho biết trong mười năm qua, người dân sống ở các nước kém phát triển nhất vẫn tiếp tục bị tước cơ hội giáo dục. Tại các nước nghèo, cứ 4 người lại có 1 người mù chữ, và 30% phụ nữ ở các nước Nam Á và Tây Á cũng trong tình trạng này.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có khoảng 250 triệu trẻ em trên toàn thế giới không nắm được những kiến thức cơ bản. Trong năm 2011, có 57 triệu trẻ em không được đến trường, một nửa trong số này sống ở những nước bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột. Ngay cả ở các nước có thu nhập cao, hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân tộc thiểu số.
Một giải pháp được báo cáo đề cập là tăng cường đội ngũ giáo viên có năng lực, các chính phủ cần chú ý hơn nữa công tác đào tạo và điều động giáo viên dạy giỏi. UNESCO cảnh báo nếu không có sự thu hút và đào tạo đủ số lượng giáo viên, khủng hoảng trong ngành giáo dục sẽ kéo dài nhiều thế hệ và ảnh hưởng tới những người thiệt thòi và khó khăn nhất. Giáo viên phải được đào tạo ban đầu nhằm kết hợp kiến thức với phương pháp giảng dạy, cũng như phương pháp tập trung hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Báo cáo khuyến nghị cần phân bổ các giáo viên đến những nơi cần nhất, có chế độ lương phù hợp, điều kiện làm việc tốt và một cơ hội nghề nghiệp.
Theo báo cáo trên, một nền giáo dục công bằng và chất lượng cho mọi người có thể giúp tăng 23% tổng sản phẩm bình quân đầu người của một quốc gia trong vòng 40 năm, tạo ra lợi ích kinh tế to lớn.
TTXVN