(TT&VH) - Tờ Wall Street Journal hôm 13/7 dẫn nguồn các quản trị viên cao cấp ở tập đoàn truyền thông News Corp nói rằng ông trùm Rupert Murdoch đang cân nhắc ý định bán nốt 3 tờ báo Anh thuộc sở hữu của mình để rút khỏi thị trường này. Ý định trên xuất hiện theo sau vụ bê bối đã dẫn tới cái chết của tuần báo bán chạy nhất nước Anh News of the World, cũng là một ấn phẩm thuộc sở hữu của Murdoch.
Tờ Wall Street Journal (WSJ), vốn nằm trong sự quản lý của Murdoch, cho biết ông đã thảo luận với các quản trị viên cao cấp tại News Corp về việc bán toàn bộ các tờ báo công ty sở hữu ở Anh. Những ấn phẩm này gồm tờ The Sun, The Times và Sunday Times.
Rút chạy khỏi nước Anh
Việc bán các tờ báo này từng được bàn tới trước đây, nhưng không nhận được sự ủng hộ của Murdoch. “Thường việc bán các tờ báo này chỉ được thảo luận trong từ 2 đến 5 phút và rồi Rupert sẽ tuyên bố: ‘Không đời nào tôi bán chúng’” - WSJ trích lời một quản trị viên giấu tên nói. Nguyên nhân do Murdoch vẫn coi trọng chúng và công ty News International, chi nhánh ở Anh của tập đoàn News Corp.
Tuy nhiên các bê bối nghe lén mới diễn ra liên quan tới tờ News of the World (NoW) đã khiến ông phải thay đổi quan điểm. NoW là tờ tuần báo đã có lịch sử tồn tại kéo dài tới 168 năm. Báo đặt nặng tính giật gân, lá cải, chuyên viết về các mảng đề tài bê bối của người nổi tiếng, các vụ án giết người cũng như các vấn đề liên quan tới tình dục. Đối tượng chủ yếu của tờ báo là tầng lớp bình dân, với lượng phát hành khổng lồ, thời kỳ cao điểm trong những năm 1950 lên tới 9 triệu bản/kỳ.
Tuy nhiên, vừa qua đã xuất hiện những lời cáo buộc rằng tờ báo này đã nghe lén trái phép điện thoại của những người nổi tiếng, chính trị gia, thân nhân của các binh sĩ Anh tử trận tại Afghanistan và Iraq, cũng như nạn nhân của các vụ giết người để lấy thông tin. Tổng cộng có gần 4.000 người đã trở thành nạn nhân trong vụ bê bối nghe lén. Hành động của NoW không chỉ vi phạm đạo đức báo chí, chuẩn mực xã hội mà còn phạm luật nghiêm trọng.
WSJ cho biết News Corp hiện đã tìm kiếm không chính thức xem có ai muốn mua các tờ báo trên không, nhưng chưa tìm thấy ứng cử viên tiềm năng bởi tình trạng xấu của ngành công nghiệp báo chí. Công ty có thể sẽ xem xét lại ý tưởng này sau 6 tháng nữa.
Vụ bê bối nghe lén của News of the World đang gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng
tới hình ảnh và sự nghiệp của trùm truyền thông Murdoch (giữa)
Sự đi lên của một ông trùm
Keith Rupert Murdoch sinh tại Melbourne, Australia, trong một gia đình chủ báo giàu có. Khi Murdoch bước vào tuổi 22, cha ông đột ngột qua đời, khiến ông phải trở về từ Oxford để lãnh đạo hoạt động làm ăn của gia đình. Ông nắm ghế giám đốc điều hành công ty News Limited vào năm 1953.
Bắt đầu từ đây, ông lãnh đạo một chiến dịch mở rộng hoạt động của News Limited, thông qua việc mua lại hàng loạt các tờ báo khác, khởi điểm bằng thương vụ mua tờ Sunday Times ở Perth, Tây Australia. Trong mấy năm tiếp theo, Murdoch mua hàng loạt tờ báo xuất bản ở vùng ngoại ô và tỉnh lẻ tại các bang New South Wales, Queensland, Victoria và vùng lãnh thổ phía Bắc.
Cuối năm 1964, Murdoch phát hành tờ The Australian, nhật báo đầu tiên của Australia. Ngoài việc cung cấp thông tin, tờ báo còn nhằm gây dựng hình ảnh của Murdoch như một nhà phát hành báo chí có chất lượng và là một nhân vật chính trị nhiều ảnh hưởng. Khi đã mở rộng hết mức ở Australia, con mắt của Murdoch bắt đầu dõi ra thị trường nước ngoài. Ông mua tờ News of the World vào năm 1986 và ngay sau đó là tờ The Sun. Ông biến chúng thành những tờ báo khổ nhỏ và cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng chung hệ thống máy in cho cả 2 tờ báo. Việc cải tiến nội dung cũng khiến chúng bán rất chạy.
Năm 1973, Murdoch sang Mỹ để mua tờ báo đầu tiên ở đây mang tên San Antonio Express - News. Tiếp đó ông thành lập tờ Star, một tờ báo khổ nhỏ chuyên bán tại các siêu thị và tới năm 1976 thì mua tờ New York Post. Riêng trong năm 1986, Murdoch đã mạnh tay mua tới 6 đài truyền hình ở Mỹ và dùng chúng để làm hạt nhân cho tập đoàn phát thanh truyền hình Fox Broadcasting. Ông cũng mua lại studio làm phim 20th Century Fox.
Năm 1986, Murdoch bắt đầu triển khai quy trình xử lý điện tử cho những tờ báo của ông ở Australia, Anh và Mỹ. Việc này dẫn tới sự cắt giảm lớn về nhân công. Nhưng nó khiến nghiệp đoàn in ấn Anh quốc tức giận, dẫn tới nhiều vụ đình công và thậm chí là xô xát trên đường phố, làm hỏng hình ảnh của Murdoch.
Năm 1987, Murdoch mua lại tờ The Herald và công ty Weekly Times ở Australia, nơi từng thuộc sự quản lý của cha ông. Tuy nhiên tới năm 1991, tập đoàn News Corp của ông có trụ sở ở Australia đã vướng phải vô số khoản nợ, khiến Murdoch phải bán nhiều cổ phần trong làng báo Mỹ mà ông mua được trong những năm 1980.
Mấy năm trở lại đây, Murdoch vẫn tiếp tục hoạt động làm ăn theo phong cách cũ: mua lại hàng loạt các tờ báo, hãng tin trong những thương vụ khổng lồ. Cuối năm 2003, ông mua 34% cổ phần trong công ty Hughes Electronics, nơi điều hành mạng truyền hình vệ tinh DirecTV lớn nhất Mỹ, với giá 6 tỷ USD. Năm 2007, Murdoch tuyên bố mua công ty Dow Jones, nơi sở hữu tờ Wall Street Journal, với giá “khủng” 5 tỷ USD.
Trở thành ông trùm của hàng loạt tờ báo, hãng tin lớn đã mang lại cho Murdoch khối gia sản khổng lồ. Theo danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, Murdoch hiện đang đứng thứ 117 trên thế giới, với tổng tài sản trị giá 6,2 tỷ USD.
Rắc rối vẫn theo chân
Tin tức về cuộc rút chạy của Murdoch diễn ra trong bối cảnh vụ bê bối ở NoW đang có xu hướng trở thành vấn đề quốc tế.
Tuần này, nghị sĩ Mỹ John Rockefeller đã kêu gọi điều tra xem News Corp có tiến hành nghe lén các nạn nhân vụ 11/9 ở Mỹ hay không. “Tôi nghi ngại vụ nghe lén điện thoại ở London do News Corp tiến hành có thể đã mở rộng sang các nạn nhân Mỹ. Nếu thế, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng” - ông nói. Chi nhánh của News Corp ở Australia cũng tuyên bố họ sẽ điều tra mọi khoản chi trả đã được các tờ báo địa phương trong tập đoàn dùng để mua chuyện giật gân trong vòng 3 năm qua.
Dự kiến Murdoch sẽ trở thành trung tâm chú ý vào ngày 19/7 tới, khi phải trả lời nhiều câu hỏi trong buổi điều trần trước Ủy ban phụ trách Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh, về những bằng chứng cho thấy News International đã trả tiền cho cảnh sát để mua các câu chuyện giật gân. Ông cũng đối mặt với ít nhất 6 cuộc điều tra hình sự, từ nghe lén điện thoại tới nỗ lực mua công ty truyền hình British Sky Broadcasting. John Whittingdale, chủ tịch Ủy ban trên cho hãng tin Sky News biết rằng các cuộc điều tra “có thể dẫn tới cáo buộc hình sự chống lại một số người”.
Tường Linh