(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến công du đã được lên lịch trình từ trước, nhưng diễn ra đúng lúc “nước sôi lửa bỏng” tại Washington D.C đã khiến truyền thông Mỹ coi đây như một cuộc “phá vòng vây”.
- Gần một nửa cử tri Mỹ muốn luận tội Tổng thống Donald Trump
- Hé lộ ‘bữa tối định mệnh’ của Giám đốc FBI với tổng thống Donald Trump
- Tổng thống Mỹ Donald Trump 'phản đòn' bất ngờ sau vụ Nga tung ảnh họp kín
Tổng thống Donald Trump ngày 19/5 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ. Điểm đến đầu tiên của ông là đồng minh quan trọng ở Trung Đông, Saudi Arabia, tiếp theo là Israel trước khi ông dự các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Italy và Bỉ. Giữa cơn sóng gió chính trị hiện nay, nếu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump diễn ra suôn sẻ, thì đó cũng đã được coi là một thành công.
Chỉ trong vòng một tuần, ghế Tổng thống của ông Trump thậm chí đã rơi vào vòng nguy hiểm. Nhà Trắng bỗng chốc chìm trong một bầu không khí căng thẳng. Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tin tình báo mật cho các quan chức Nga tại cuộc gặp tuần trước ở Phòng Bầu dục là đòn giáng mạnh vào uy tín chính trị của ông Trump và ê kíp.
Tiếp đó, lại là một tin chấn động: Ông Trump đã từng yêu cầu cựu Giám đốc FBI James Comey ngừng cuộc điều tra nhằm vào cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người bị cáo buộc bí mật trao đổi thông tin với đại sứ Nga tại Mỹ trước khi tân Tổng thống nhậm chức.
Những ngày sau đó là liên tiếp những đòn công kích từ giới truyền thông vốn không ưa gì Tổng thống, từ các đối thủ chính trị và từ cả chính nội bộ Đảng Cộng hoà. Nhân vật có tiếng cùng đảng, Thượng nghị sĩ McCain đã so sánh vụ việc này với “quy mô của vụ Watergate”, trong khi một số tiếng nói khác thậm chí còn kêu gọi luận tội Tổng thống.
Chính vì thế, một chuyến công du nước ngoài thành công lúc này có thể là một cách “tháo ngòi” cho cuộc khủng hoảng nội địa. Một số cựu quan chức cấp cao, vốn đã mất tín nhiệm nơi Tổng thống Trump cũng cho rằng chuyến công du là cơ hội cuối cùng để cứu vãn chiếc ghế của ông. Đó là một chuyến đi “kiểu như làm-hay là-chết”, một quan chức phát biểu với CNN, ám chỉ cả ông Trump và đội ngũ.
Ông Trump đã quả quyết lên đường trong một chuyến đi đầy tham vọng, có thêm động lực từ việc thoát khỏi “vũng lầy” nơi quê nhà, cũng như đối diện với những nghi ngại từ giới lãnh đạo nước ngoài về khả năng đứng vững của chính phủ ông.
Bài test quan trọng
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump cũng đánh dấu một cuộc thử nghiệm quan trọng trước những nghi ngại lâu nay cho rằng ông thiếu hoàn toàn các kinh nghiệm ngoại giao.
Công du nước ngoài luôn là một chương trình khó khăn với ngay cả một vị Tổng tư lệnh dày dạn kinh nghiệm nhất, khi từng phát ngôn, cử chỉ đều bị camera vây quanh và có thể gây ra những sự cố ngoại giao đáng tiếc, thậm chí dấy lên những cơn bão chính trị. “Tôi nghĩ ông ấy cần để tâm xem một chuyến đi rất quan trọng là thế nào” - cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright nói với CNN - “Tôi hy vọng sẽ không có dòng tweet nào về bất cứ điều gì trong 9 ngày ông ấy đi”.
Thay vì tới Canada hoặc Mexico như những người tiền nhiệm, ông Trump chọn Trung Đông làm điểm đến đầu tiên. Theo CNN, những bước chân đầu tiên của Tổng thống Trump trên lãnh thổ nước ngoài cũng sẽ nhấn ông vào cái "lồng gấu" của chính trường Trung Đông - khu vực bị chiến tranh tàn phá nhất thế giới, nơi mà căng thẳng sắc tộc luôn sôi sục và các nhà lãnh đạo phải làm chủ được luật của “rừng già chính trị” thì mới có thể sống sót.
Nhưng đến Trung Đông, ông Trump đang có một lợi thế. Hai đồng minh Israel và Saudi Arabia lâu nay không bằng lòng với những chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Barack Obama, đặc biệt là về thái độ với Iran qua thoả thuận hạt nhân 6 bên.
“Tổng thống sẽ tới Trung Đông để những người bạn của chúng ta hiểu rằng chúng ta trở lại, và để kẻ thù của chúng ta cũng biết rằng, chúng ta đã trở lại”, David Urban, người lãnh đạo chiến dịch tranh cử thành công của ông Trump tại bang chiến địa Pennsylvania, tuyên bố.
Đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc ông Trump sẽ công bố một thoả thuận vũ khí khổng lồ tại Saudi Arabia, cũng như hội ý với giới lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo chủ chốt để bàn cách đối phó với ảnh hưởng đang lên của Iran trong khu vực.
Nhưng khoảnh khắc ấn tượng nhất trong chuyến thăm của ông Trump tới Saudi sẽ là bài diễn văn về đạo Hồi, nhằm xoá đi những ấn tượng lâu nay rằng ông là người chống Hồi giáo, đặc biệt là sau sắc lệnh cấm nhập cảnh với cư dân một loạt quốc gia Hồi giáo.
“Ông ấy sẽ đưa một thông điệp mạnh mẽ và đầy tôn trọng rằng, Mỹ và toàn thể thế giới văn minh trông đợi các đồng minh Hồi giáo của chúng ta thể hiện lập trường mạnh mẽ chống tư tưởng Hồi giáo cực đoan, một tư tưởng sử dụng lối tiếp cận lầm lạc để biện minh cho những tội ác chống lại cả nhân loại”, Cố vấn An ninh quốc gia McMaster cho biết.
Tại Israel, ông Trump dự kiến gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cũng như có cuộc gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ở Bờ Tây. Ông đã quyết định sẽ không công bố ý định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem như lời cam kết khi tranh cử để tránh những cơn giận dữ giáng xuống chuyến công du đầu tiên này.
“Nước Mỹ trên hết”
Các trợ lý của ông Trump thừa nhận chuyến công du sẽ không xoá hết được những rắc rối chính trị ở quê nhà. Nhưng họ tin rằng tính chất quan trọng của những vấn đề quốc tế mà ông Trump sẽ đối mặt có thể giúp gỡ lại uy tín cho Tổng thống.
Giới lãnh đạo quốc tế thường ít quan tâm đến những chi tiết về lùm xùm chính trị của ông Trump, họ chú ý hơn đến ảnh hưởng của chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) mà ông khởi xướng, lên các quốc gia, các khu vực và các đồng minh của Mỹ.
Với châu Âu, họ muốn biết liệu ông Trump có rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như muốn thử “tình cảm” thực sự của ông dành cho Nga, cường quốc mà châu Âu xem như một mối đe doạ.
Vấn đề bảo hộ thương mại, vốn đang nóng lên với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", chắc chắn sẽ là chủ đề quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Sicily mà ông Trump lần đầu tham dự. Ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quyết đàm phán lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), trong khi Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đàm phán giữa Mỹ và EU từ năm 2013 có vẻ được xếp cuối cùng trong danh sách các ưu tiên.
Các đồng minh NATO của Mỹ cũng có thể sẽ đón tiếp ông Trump trong tâm trạng thiếu tin tưởng. Trong vài tháng qua, lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ với NATO đã có nhiều thay đổi. Tháng trước, chính Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của NATO, trong khi chỉ cách đó ít lâu, ông có những phát biểu coi liên minh này là một cấu trúc lỗi thời trong cuộc chiến chống khủng bố và không có khả năng yêu cầu các nước thành viên châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng để san sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ. Rồi mới đây, ông lại khẳng định sẽ sát cánh cùng NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Nếu cuộc "phá vây" lần này thành công, ông Trump có thể gỡ mình khỏi bê bối chính trị đang bủa vây Nhà Trắng, qua đó thể hiện vai trò của người đứng đầu nước Mỹ trong quan hệ ngoại giao với các địa bàn chiến lược của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông cũng như trên trường quốc tế nói chung.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Tags