(Thethaovanhoa.vn) - Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) công bố sáng 24/6 với phần thắng tạm nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu.
- CẬP NHẬT Brexit: Phe ủng hộ Anh rời EU tuyên bố 'chiến thắng sớm'. Kết cục dường như không thể đảo ngược
- Nghệ sỹ Anh với Brexit: Phe 'ở lại' đang thắng
- ĐỒ HỌA: 'Người tình' Anh làm 'đau tim' EU suốt 43 năm và giờ là Brexit...
Lãnh đạo EU yêu cầu Anh thực hiện Brexit "càng sớm càng tốt"
Ngày 24/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo với Anh về việc phải bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để rời khỏi EU (Brexit) "càng sớm càng tốt" sau khi Thủ tướng Anh David Cameron vừa tuyên bố sẽ từ chức và để lại các cuộc thương lượng cho người kế nhiệm.
Trong một tuyên bố sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh: "Hiện giờ chúng tôi muốn Chính phủ Vương quốc Anh làm cho quyết định của người dân Anh có hiệu lực ngay khi có thể cho dù tiến trình này có thể gây đau đớn".
Tuyên bố trên đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp ở Brussels (Bỉ).
Theo quy định của EU, Anh sẽ phải tiến hành đàm phán về mối quan hệ mới với EU trước khi chính thức rút khỏi liên minh này. Dự kiến, tiến trình đàm phán sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Ngoài ra, Nghị viện Anh cũng sẽ phải thông qua các kế hoạch liên quan đến việc Anh rời khỏi EU.
* Lãnh đạo các nước châu Âu thất vọng; Thủ tướng Đức triệu tập họp nội các khẩn cấp
Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của người dân Anh đã gây sốc không chỉ đối với chính giới nước Anh mà còn cả cộng đồng quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, trong đó đa số cử tri Anh ủng hộ nước này rời khỏi EU, nhiều chính trị gia và các chuyên gia kinh tế của Đức đã có phản ứng về quyết định này.
Cú sốc mang tên Brexit
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng nượng Đức Sigmar Gabriel cùng Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi đây là "một ngày đau buồn đối với châu Âu" và châu Âu thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi châu lục.
Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schäuble, một chính trị gia rất có uy tín thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merke, lại lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) cần phải đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. Ông nhấn mạnh châu Âu phải cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với các nước trong nhóm nước công nghiệp G-7 sau vụ việc trên.
Hiện Thủ tướng Merkel đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp.
Theo giới phân tích, việc Anh rời EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu lục. Giám đốc Viện Jacques Delors và là Giáo sư Trường Quản trị Hertie ở Berlin, ông Henrik Enderlein nhận định kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Anh không phải một dấu hiệu tốt với châu Âu, và trước tiên là với Anh. Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể đối mặt với thực tế này.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện châu Âu thuộc đảng CDU Elmar Brok coi quyết định của cử tri Anh là một quyết định sai lầm và là "phát súng cảnh báo" đối với 27 quốc gia EU còn lại, nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một châu Âu như kỳ vọng của người dân châu lục.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hy vọng sẽ không có phản ứng dây truyền trong EU sau vụ việc ở Anh, đồng thời cho rằng các nước khác sẽ không lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh.
Ông cũng cho rằng các thể chế trong EU cần đánh giá ngay tình hình và châu Âu cần sự vững vàng trong lúc này.
Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg lại cho rằng cuộc trưng cầu ý dân của Anh không chỉ là thông điệp của cử tri Anh mà còn cả nhiều cử tri của các quốc gia châu Âu khác, những người cảm thấy EU không còn đủ khả năng đối phó với những thách thức hiện nay.
Còn theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, EU cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân và đây là một bài học lớn nhất.
Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka cho rằng việc Anh rời khỏi EU không phải là sự "kết thúc" của liên minh này nhưng kêu gọi EU "mềm dẻo hơn và ít quan liêu hơn". Theo ông, EU cần phải nhanh chóng thay đổi, không phải vì Anh tách khỏi EU mà vì "dự án" châu Âu cần phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ người dân.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ sự "thất vọng" về quyết định của người Anh, song cho rằng kết quả này được xem là động lực để EU tiến hành cải cách.
Thủ tướng Áo Christian Kern cho rằng sẽ không có hiệu ứng "domino" trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đồng thời khẳng định Áo sẽ không tổ chức sự kiện tương tự như của London. Tuy nhiên, theo ông, châu Âu sẽ mất vị thế và tầm quan trọng trên thế giới do bước đi này của Anh và những ảnh hưởng kinh tế lâu dài của việc Brexit sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo đã đề xuất chia sẻ chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Gibraltar, khu vực tranh chấp giữa Anh và Tây Ban Nha, sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, cho rằng việc chia sẻ sẽ cho phép vùng lãnh thổ này duy trì sự tiếp cận thị trường chung của EU.
* Thủ tướng Anh David Cameron công bố ý định từ chức
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được công bố với kết quả phe ủng hộ Anh rời EU chiến thắng, Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố ý định từ chức.
Phát biểu với giới báo chí bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh ở Phố Downing, Thủ tướng Anh bày tỏ sự buồn bã khi tuyên bố ông nhận thấy không còn phù hợp để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.
Ông Cameron cũng khẳng định mong muốn để người kế nhiệm bắt đầu tiến trình Anh rút khỏi EU. Mặc dù không công bố cụ thể thời điểm từ chức nhưng Thủ tướng Anh cho biết nước Anh sẽ có nhà lãnh đạo mới khi đảng Bảo thủ tiến hành hội nghị thường niên vào tháng 10 tới.
Trước đó, cùng ngày, thủ lĩnh đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) chủ trương phản đối EU, ông Nigel Farage cho rằng Thủ tướng David Cameron phải từ chức sau khi chiến dịch vận động kêu gọi Anh ở lại EU của nhà lãnh đạo này thất bại.
Phát biểu với hãng ITV News, ông Farage nói: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải có một thủ tướng của phe Brexit. Việc phe yếu thế và ông ta (Cameton) tại vị là điều không thể chấp nhận”. Ông Farage cho rằng vị Thủ tướng Anh kế tiếp của Anh nên là một trong số những thủ lĩnh chiến dịch vận động rời EU trong đảng Bảo thủ cầm quyền.
* Cơn ác mộng "tan đàn xẻ nghé" với EU và với chính nội bộ Liên hiệp Vương quốc Anh
Thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách, hạn chế trong việc mở rộng quy mô cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế là những nguy cơ mà EU sẽ phải đối mặt khi Anh rời khỏi liên minh này.
Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn EU.
Tác động rõ ràng đầu tiên đối với Anh là nguy cơ “tan đàn xẻ nghé". Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh.
Sự chia tay của Anh cũng sẽ đẩy EU vào giai đoạn bất ổn mới. Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU.
Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, dễ dàng nhất là trường hợp của Tây Ban Nha. Sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha.
Bản thân các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất ổn định chính trị trong nước, trong khi EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên. Việc Anh rời EU sẽ khiến liên minh này phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước "nhỏ" còn lại. EU cũng sẽ mất dần "sức nặng" trên trường quốc tế, trong khi Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế.
Khi tiếng nói của Anh không còn nhiều "trọng lượng" như khi còn nằm trong EU thì rõ ràng vai trò của Anh trên các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm.
Đối với Thủ tướng David Cameron, đây là một thất bại đáng hổ thẹn. Những bước đi chính trị sai lầm trong ngắn hạn đang khiến ông rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra. Về cơ bản, ông Cameron không sai khi đấu tranh cho quyền lực của London.
Tuy nhiên, ông không có chiến lược để đạt được mục tiêu. Khi tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, ông Cameron nghĩ rằng lời hứa này sẽ chấm dứt những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ và buộc EU phải thay đổi theo mong muốn của Anh. Nhưng điều đó lại chỉ khiến làn sóng “bài châu Âu” tăng cao hơn bao giờ hết ở trong nước.
Sau thất bại này, ông Cameron chắc chắn chịu áp lực rất lớn từ nội bộ đảng Bảo thủ yêu cầu ông từ chức.
Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”.
Mãi tới năm 1973, Anh mới gia nhập EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu) một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi. 43 năm sau "cuộc hôn nhân gượng ép", cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6/2016 càng chứng minh rằng nhận định của Churchill là chính xác. Anh và EU không thể có mối quan hệ hòa hợp và gắn bó.
* Anh đối mặt với lệnh trừng phạt của EU
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu như Anh quyết định rời EU sẽ kéo theo hậu quả “lớn và tiêu cực” cho nền kinh tế nước này, làm giảm thu nhập của người dân và nguy hại đến nền kinh tế của các nước châu Âu khác.
Trong ngắn hạn, việc rời bỏ EU sẽ khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái trong hai năm tới.
Về mặt lâu dài, những tổn thất trong giai đoạn bất ổn và chi phí thương mại lớn sẽ “quét sạch” toàn bộ lợi nhuận mà Anh thu được từ việc không phải đóng góp cho EU trong trường hợp không còn là thành viên.
Bên cạnh đó, một khi rời xa “người tình lâu năm” EU, Anh sẽ phải thiết lập một mối quan hệ mới. Bởi theo lãnh đạo EU, “một khi đã đi là không được trở lại”.
Như vậy, Anh sẽ phải đưa ra ký kết những hiệp định thương mại hoàn toàn mới với châu Âu và mất nhiều thời gian cho việc sửa đổi lại các điều luật.
Ngoài ra, Anh còn có thể đối mặt với lệnh trừng phạt từ EU, để làm gương răn đe cho các quốc gia nhen nhóm ý định rời khỏi khối này.
* Trung Quốc cũng bị 'dính chưởng"
Ngoài Anh và EU, nhiều nhà phân tích dự đoán quyết định dứt áo ra đi lần này của Anh còn là một đòn giáng mạnh lên nền kinh tế của nhiều cường quốc, trong đó điển hình là Nga và Trung.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu, Anh được Trung Quốc lựa chọn là “hành lang vận động”, hỗ trợ trong việc thúc đẩy EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu.
Năm 2015 Anh đã mở cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, Anh cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu khó tính. Nếu như Anh chấm dứt mối quan hệ với EU, thì sợi dây kết nối thương mại của Trung Quốc và EU cũng bị cắt đứt.
* Nga "tiêu tan" tiền đầu tư
Nga – bạn hàng chính của EU trong nhiều thập niên – cũng bị đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ kịch bản Brexit.
Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện lên đến 360 tỷ USD, với phần lớn (80%) trong đó số đó gửi tại các ngân hàng nước ngoài và hơn 40% trong số đó là bằng đồng euro.
Theo ông Andrey Sushentsov, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, “hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Cyprus. Anh ra khỏi EU sẽ gây ra chiến thương mại giữa hai bên và hệ quả là làm "tiêu tan" tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này”.
* Nhật Bản sớm đối phó với Brexit
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tuyên bố sẽ cùng hợp tác với các giới chức trong và ngoài nước để theo dõi sát sao những biến động trên các thị trường toàn cầu sau khi kết quả chính thức được công bố tại Anh. Ngân hàng này thậm chí còn khẳng định đã chuẩn bị nhiều biện pháp nhằm tăng cường tính thanh khoản để đảm bảo ổn định các thị trường tài chính.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính nước này Taro Aso cũng khẳng định Tokyo đã sẵn sàng tung thêm các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết những tác động trên các thị trường tài chính do Brexit gây ra.
* Tại thị trường châu Á, tính đến 11 giờ Hà Nội, giá dầu đã giảm hơn 6%. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 đã giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng thời điểm giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47,00 USD/thùng.
Nguy cơ Brexit bao trùm thị trường chứng khoán Tokyo, khiến chỉ số Nikkei giảm 8,3% (tương đương 1.347,79 điểm) xuống còn 14,890.56 điểm. Chỉ số Topix gồm những cổ phiếu hàng đầu cũng giảm 6,37% xuống còn 1.215,92 điểm. Trong khi đó, đồng yên tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại thời điểm mới nhất là 101,77 yên / 1 USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (Ta-rô A-xô) sẽ tổ chức họp báo khẩn vào chiều 24/6 để trao đổi về tình hình hiện nay.
* Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 230,24 điểm (1,3%) lên 18.011,07 điểm; Chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 27,87 điểm (1,3%) lên 2.113,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,72 điểm (1,6%) lên 4.910,04 điểm. Tại châu Âu, chỉ số CAC của Pháp tăng 2%, chỉ số DAX của Đức tăng 1,8% trong khi chỉ số FTE 100 của Anh tăng 1,2%.
* Tại nước Anh, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Theo số liệu thống kê tại thời điểm kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh tạm nghiêng về phe ủng hộ nước Anh ra khỏi EU, một bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,3466 USD, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.
ĐK (tổng hợp)
Tags