(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang mạng thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 4/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 11.189.325 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 529.063 ca tử vong và 6.297.150 bệnh nhân đã hồi phục.
Tới nay, dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện với tổng cộng 2.890.588 ca nhiễm và 132.101 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latinh, tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng với những diễn biến phức tạp. Bộ Y tế Brazil thông báo hiện quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 1.539.081 ca mắc COVID-19, trong đó có 63.174 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Số ca mắc bệnh và tử vong tại Brazil đã tăng tương ứng 42.223 người và 1.290 người trong vòng 24 giờ qua. Mặc dù nhiều chuyên gia cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm ở Brazil vẫn ở mức cao và việc nới lỏng giãn cách xã hội lúc này có thể lại đẩy hệ thống y tế vào nguy cơ quá tải, song thành phố Rio de Janeiro ngày 2/7 vẫn cho phép các nhà hàng và quán bar ở mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Thị trưởng Rio Marcelo Crivella cho rằng tình hình dịch bệnh đã lắng dịu khi các ca bệnh cần được chăm sóc đặc biệt đã giảm, nhu cầu giường bệnh cũng thấp hơn trong khi số ca tử vong không có đột biến. Sao Paulo, thành phố lớn nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở Brazil, dự kiến sẽ mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng vào tuần tới.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Mexico khi Bộ Y tế nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã lên đến 245.251 ca, trong đó có 29.843 ca tử vong, tăng 6.740 ca bệnh và 654 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Mexico hiện có số ca mắc bệnh cao thứ 9, số ca tử vong cao thứ 6 trên thế giới và tỉ lệ tử vong trên số ca mắc COVID-19 cao thứ 3 thế giới với 12,17%. Theo Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell, tốc độ lây nhiễm ở Mexico đã bắt đầu chậm lại, nhưng số ca nhiễm vẫn đang trong xu hướng tăng. Quan chức y tế Mexico nhận định số ca tử vong thực do COVID-19 có thể cao gấp 3 lần so với con số thống kê.
Còn tại Peru, chính quyền vùng Lima bao gồm một số tỉnh và thủ đô Lima, đã đề nghị chính phủ xem xét tái thiết lập tình trạng cách ly xã hội bắt buộc do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo thống đốc vùng Lima Ricardo Chavarria, khu vực này đang trải qua một giai đoạn khá phức tạp và các thị trưởng phụ trách các khu đô thị trong vùng đều nhất trí cần phái áp dụng các biện pháp mạnh, cũng như yêu cầu chính phủ trung ương tái thiết lập biện pháp phong tỏa trong toàn bộ vùng Lima để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Chavarria, kể từ khi Chính phủ Peru quyết định dỡ bỏ biện pháp cách ly bắt buộc hôm 1/7, nhiều địa điểm công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, không tuân thủ các khuyến cáo về dịch tễ và điều này có thể khiến cho số ca nhiễm tăng cao trong thời gian tới, gây ảnh hưởng tới hệ thống y tế vốn đang trong tình trạng quá tải. Peru hiện đã ghi nhận 292.044 ca mắc COVID-19, trong đó có 10.045 ca tử vong, và là một trong những nước có số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh
Trong khi đó tại Chile, giới chức y tế nước này khẳng định sau 4 tháng kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, Chile đã bắt đầu thu thập được những “số liệu khả quan” cho dù trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 3.548 ca nhiễm mới, trong đó có 131 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Paula Daza cho biết số liệu cập nhật trong những ngày gần đây cho thấy xu hướng giảm về số ca mắc COVID-19.
Tổng số ca mắc bệnh tại Chile đến nay lên tới 288.089 ca, trong đó có 6.051 ca tử vong. Hiện nay, hơn một nửa trong tổng số 18 triệu dân của Chile vẫn nằm trong các khu vực cách ly xã hội bắt buộc, trong đó có thủ đô Santiago. Xu hướng bùng phát dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn ở khu vực Antofagasta ở phía Bắc và O'Higgins ở miền Nam của quốc gia Nam Mỹ này.
Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 89.228, trong đó có 2.358 ca tử vong.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh đã công bố danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người Anh khi đi du lịch trở về sẽ được áp dụng thỏa thuận "cầu hàng không", tức là không phải tuân theo quy định tự cách ly 14 ngày. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7. Trong số những nước và vùng lãnh thổ được miễn quy định có Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Hy Lạp, Việt Nam…, nhưng không có Mỹ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Thái Lan.
Ngoài ra, 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, 14 vùng lãnh thổ của Anh ở nước ngoài cũng sẽ được miễn áp dụng quy định tự cách ly 14 ngày, nâng tổng số quốc gia và lãnh thổ được miễn quy định này lên 73. Chính phủ Anh cho biết danh sách có thể sẽ tăng thêm trong những ngày tới. Một điều đáng lưu ý là, quy định nới lỏng cách ly của Anh hiện mới chỉ được áp dụng cho vùng England. Các vùng còn lại là Scotland, Wales và Bắc Ireland chưa xác nhận có cùng tham gia hay không.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay Anh đã ghi nhận hơn 284.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 44.131 ca tử vong, cao nhất trong các nước châu Âu. Tuy nhiên, hiện số ca mắc mới mỗi ngày ở nước này chỉ vào khoảng vài trăm người và số ca bệnh nặng cũng không còn nhiều, chỉ gần 280 người. Trong số các vùng tại Anh, vùng England có số ca mắc giảm từ 2%-5% mỗi ngày.
Minh Châu/TTXVN
Tags