(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 ngày 9/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 238.140.267 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.860.183 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 215.285.473 người.
Do việc triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt nhiều tiến triển, qua đó giúp giảm số ca mắc mới mỗi ngày, nên Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, với 45.135.620 ca mắc và 732.477 ca tử vong, đã quyết định mở cửa đối với các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nêu rõ những người đã được tiêm 1 trong 6 loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép/phê duyệt hoặc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt kê để sử dụng khẩn cấp sẽ đáp ứng các tiêu chí đến Mỹ. Trước đó, Nhà Trắng đã thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, thông báo khi đó không nói rõ loại vaccine nào sẽ được chấp nhận. Trong số các nước này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran và phần lớn các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao.
Tại Đông Nam Á, sau khi ghi nhận 9 ngày liên tục đầu tháng 10/2021 có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, chỉ quanh ngưỡng 200 ca/ngày, Campuchia đang hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và xã hội trong thời gian sớm nhất có thể. Trong 24 giờ qua, Campuchia xác nhận có thêm 23 người tử vong và 220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 203 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 9/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.571 ca mắc COVID-19, trong đó có 107.376 người đã khỏi bệnh và 2.482 người tử vong.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun cho biết trong vòng 10-15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, nước này sẽ mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường mới có nghĩa là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Để có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ra thông báo chi tiết về chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân bắt đầu từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người dân sẽ được tiêm mũi tăng cường miễn phí bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và phải sau mũi thứ hai ít nhất 4 tháng.
Singapore cũng ra thông báo sẽ mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10 tới đây. Lực lượng đặc trách về COVID-19 cho biết cùng với việc mở rộng áp dụng cơ chế làn đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (VTL) với 9 quốc gia trên, Singapore sẽ giảm bớt các yêu cầu xét nghiệm PCR với người nhập cảnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên tiếng trấn an người dân, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với sự biến chuyển của tình hình. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược “Zero-Covid” mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, sống chung với COVID-19 không phải là hành trình dễ dàng và suôn sẻ. Số ca nhiễm mới đã gia tăng mạnh trong những ngày qua (trên 3.000 ca/ngày).
Ông Lý Hiển Long cho rằng Singapore phải mất từ 3 tới 6 tháng mới có thể có được “sự bình thường mới”. Singapore cần tiếp tục kiên định chiến lược sống chung với COVID-19 và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp. Trước hết, người dân Singapore cần phải “cập nhật” tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Thứ hai, Singapore xác định “hồi phục tại nhà” sẽ là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vaccine nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Thứ ba, Singapore sẽ đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân nắm được họ cần phải làm gì họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, hay tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, và các thành viên gia đình phải làm gì.
Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore xác định cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ gia tăng trong những tuần tới, tháng tới, có thể lên tới 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Singapore hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây, và sẽ tiếp tục kiên định con đường hướng tới “sự bình thường mới” sau đại dịch.
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Chính phủ Lào đã giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị, đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan cấp trung ương và địa phương trong việc vận động chuyên gia xét nghiệm, y, bác sĩ và cán bộ chức năng hỗ trợ ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh tại địa phương theo điều kiện thực tế. Trước sự gia tăng ca nhiễm mới, nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh kéo dài thời gian phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng trong đó có Luang Prabang, Sekong, Xaysomboun. Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 425 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 28.032 ca, trong đó có 26 người tử vong.
- WHO công bố Chiến lược đạt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 vào giữa năm 2022
- Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 8/10: Trong 24 giờ qua, Mỹ có gần 100.000 ca nhiễm và hơn 1.600 ca tử vong
- WHO bắt đầu vận chuyển vật tư y tế phòng, chống Covid-19 tới Triều Tiên
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế của nước này thông qua việc chỉ định thêm nhiều bệnh viện công tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Theo ông, Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất".
Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đang có những tín hiệu tích cực. Theo đó, số ca nhiễm mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo của nước này đã giảm xuống còn 82 ca - mức thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020. Hiện số ca nhiễm mới tại Nhật Bản cũng đang có xu hướng giảm, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn quan ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Nga. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 968 ca tử vong - mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát và 29.362 ca nhiễm mới. Cho đến nay, Nga có tổng cộng 7.746.718 ca nhiễm, trong đó có 215.453 người không qua khỏi. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trong tuần qua cho biết chính quyền Nga đang rất lo ngại trước tỷ lệ tử vong cao vì COVID-19 ở nước này và nguyên nhân chính là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. Ông Peskov cũng cho hay Điện Kremlin đã tăng cường các biện pháp nâng cao hiểu biết cho người dân về sự cần thiết của tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Ngọc Hà/TTXVN
Tags