(Thethaovanhoa.vn) - Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Chính phủ Anh ngày 27/6 đã nhất trí thành lập một cơ quan dân sự để thực thi nhiệm vụ phức tạp là đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
- Sao Hong Kong Lý Thi Vận: Không buồn vì bị cướp vai mà vì... Brexit
- Vấn đề Brexit: Hơn 2 triệu người Anh kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần hai
Theo phóng viên TTXVN tại London, nữ phát ngôn này nhấn mạnh Thủ tướng Cameron đã nêu đề xuất này và nhận được sự ủng hộ của nội các.
Thủ tướng Anh công bố ý định từ chức sau Brexit
Cơ quan mới có chức năng điều hành các công việc dân sự phức tạp cần được giải quyết nhằm đưa ra các lựa chọn cũng như cố vấn cho thủ tướng mới, trong quá trình "chuyển giao khó khăn" khi Anh bắt đầu rời EU.
Cơ quan này sẽ bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính để tiến hành các công việc sơ bộ trước khi bàn giao cho một thủ tướng mới khi cuộc đua vào ban lãnh đạo đảng Bảo thủ kết thúc. Ngoài ra, chuyên gia giải quyết các vấn đề phức tạp của Thủ tướng Cameron, ông Oliver Letwin, cũng sẽ được giao phó "vai trò tạo điều kiện" mới, trong đó có việc tư vấn với giới chức chính phủ và các chuyên gia về các lựa chọn sau Brexit.
Nữ phát ngôn cũng cho biết Thủ tướng Cameron đã tuyên bố Chính phủ Anh sẽ "không dung thứ đối với sự bất khoan dung" liên quan tới một loạt các vụ phân biệt chủng tộc sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu quyết định đưa nước Anh rời khỏi "mái nhà chung châu Âu". Phát biểu trước báo giới, bà này nhấn mạnh nhà lãnh đạo Anh đã lên án một loạt vụ tấn công mang tính phân biệt chủng tộc xảy ra sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.
Ngày 24/6, khoảng 500 người thuộc giới trẻ Anh đã biểu tình nhằm phản đối kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra hôm trước đó. Ảnh có tính chất minh họa
Trước đó, theo báo cáo của một số nghị sĩ, nhiều cử tri cho biết họ đã bị quấy rối hoặc tấn công kể từ khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố với chiến thắng thuộc về phe ủng hộ Anh rời EU. Ngoài ra, Đại sứ quán Ba Lan tại Anh cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và lấy làm sốc trước các vụ phân biệt đối xử và lăng mạ trực tiếp đối với cộng đồng người Ba Lan tại Huntingdon, gần thành phố Cambridge của Anh sau cuộc trưng cầu ý dân.
Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua quyết định quy chế thành viên của Anh trong EU kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit - 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%. Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này. Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh. Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt được đồng thuận./.
Tags