(Thethaovanhoa.vn) – Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, gần đây, Bộ VH,TT&DL cũng chính thức lên tiếng về vấn đề này.
- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: 'Đốt vàng mã không hề có trong kinh sách Phật giáo'
- Chấm dứt đốt vàng mã: Cần nhiều thời gian
- 80 năm trước đã có cuộc vận động xóa bỏ tục đốt vàng mã
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn 31 đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ tưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: “Bộ hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã”, đồng thời sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi “vấn nạn” này…” - bà Thủy trả lời trên báo Văn hóa.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhận định việc xóa bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã là chuyện không thể thực hiện trong một sớm một chiều dù việc này ngày một nhiều biến tướng, tiêu tốn hàng tỉ đồng mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn cháy nổ, cần hạn chế, dần dần tiến tới loại bỏ tập tục này.
Cụ thể, trong nhiều năm qua, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều công văn gửi tới các địa phương và luôn lưu ý các BQL di tích, BTC lễ hội phải tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt vàng mã tràn lan, gây lãng phí.
Về vấn đề tâm linh, bà Thủy đồng tình rằng đốt vàng mã là tập tục quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt. “Tuy nhiên, từ khởi thủy khi tập tục này chỉ được thực hiện một cách tượng trưng thì đến nay, quan niệm "trần sao âm vậy" ngày càng ăn sâu, khiến cho không ít người không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền lớn để mua vàng mã dâng cúng và đốt với mong muốn đốt càng nhiều, càng có lộc”, bà Thủy nhận định.
Trong tương lai, “Giải pháp xuyên suốt mà Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng”, bà Thủy cho biết.
Bà Thủy cũng thừa nhận sản xuất đồ mã, vàng mã mang tới lợi ích kinh tế không nhỏ cho một số làng nghề nhưng cần xem xét vấn đề này dưới góc độ bối cảnh lợi ích chung toàn xã hội.
Giả Bình (Tổng hợp)
Tags