(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 8/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 222,68 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 4,59 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 199,21 triệu ca. Số bệnh nhân đang phải điều trị là hơn 18,87 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 41,18 triệu ca COVID-19, trong đó 668.901 ca tử vong. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến thể Delta gây ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/9 sẽ đưa ra kế hoạch "gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư" nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể có nguy cơ lây lan mạnh này và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã cảnh báo người dân nước này không nên đến Sri Lanka, Jamaica và Brunei do số ca COVID-19 mới ngày càng tăng cao ở 3 quốc gia này.
Trong khi đó, CDC Mỹ đã hạ mức cảnh báo đi lại tới Hà Lan, Malta, Guinea-Bissau và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ “Cấp độ 4 - nguy cơ rất cao” xuống “Cấp độ 3 - nguy cơ cao”. Tuy nhiên, CDC lại nâng mức cảnh báo đi lại tới Australia từ “Cấp độ 1 - nguy cơ thấp” lên “Cấp độ 2 - nguy cơ trung bình”.
Tại khu vực châu Á, Chính phủ Indonesia đã siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu (còn được gọi là B.1.621) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny G Plate cho rằng chính phủ cần hành động nhanh chóng và chính xác để tránh cho Indonesia phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba do biến thể này. Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia.
Tuy nhiên, biến thể mới này vẫn chưa được phát hiện tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cũng đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) và CanSino sản xuất. Tính đến nay, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 9 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Novavax, Sinopharm, CanSino, Sputnik-V và Anhui Zhifei Longcom.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Canada đã nới lỏng những hạn chế đi lại đối với những công dân nước ngoài tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Theo đó, kể từ ngày 7/9, các yêu cầu kiểm dịch đã được nới lỏng đối với khách quốc tế nhập cảnh Canada vì mục đích không thiết yếu - những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (loại vaccine được Bộ Y tế Canada phê duyệt).
Canada đã phê duyệt 4 loại vaccine phòng COVID-19, gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca/Covishield và Johnson &Johnson. Để đủ điều kiện nhập cảnh, mũi tiêm cuối cùng phải cách ngày nhập cảnh ít nhất 14 ngày và khách nhập cảnh phải xuất trình bằng chứng xét nghiệm âm tính với COVID-19 chưa quá 72 giờ. Khách quốc tế cũng được yêu cầu sử dụng ứng dụng ArriveCAN hoặc cổng thông tin trực tuyến để tải lên các thông tin chi tiết về việc tiêm chủng của họ.
Trong khi đó, Argentina tuyên bố đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine. Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết trong tổng số 51,9 triệu liều vaccine mà Argentina đã tiếp nhận đến thời điểm hiện tại, 45,5 triệu liều đã được sử dụng tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến sẽ sớm triển khai tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi ngay trong tháng 9 này.
Là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 song Argentina đã ghi nhận 14 tuần liên tiếp có số ca mắc COVID-19 mới giảm, 12 tuần liên tiếp có số ca điều trị tích cực và tử vong giảm. Theo thống kê chính thức, đến nay, Argentina có hơn 5,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó 112.851 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
Tổng thống Peru Pedro Castillo tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga, với mục đích đẩy nhanh quá trình tiêm chủng đại trà cho người dân. Ông Castillo cho biết thỏa thuận lắp đặt nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Peru và Chính phủ Nga, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Hernando Cevallos nhận định nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V tại Peru có thể sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh với gần 200.000 trường hợp tử vong và hơn 2,15 triệu ca nhiễm tính đến nay.
Trần Quyên/TTXVN
Tags