(Thethaovanhoa.vn) - Con tàu trị giá 700 triệu USD đã sống sót khi vượt qua Vành đai Kuiper quanh sao Diêm Vương - khu vực nguy hiểm nhất vì chứa đầy mảnh vỡ vũ trụ.
Tàu vũ trụ không người lái "New Horizons" thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hoàn thành nhiệm vụ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận Sao Diêm Vương, mở ra một chương mới trong nghiên cứu về "tiểu hành tinh" lớn nhất trong hệ Mặt Trời
Với vận tốc gần 50.000 km/h, nhanh nhất trong số các tàu vũ trụ từ trước đến nay, tàu "New Horizons" đã hoàn thành nhiệm vụ sau một hành trình 4,8 tỷ km và kéo dài gần 10 năm nhằm chụp lại những bức ảnh chưa từng thấy về Sao Diêm Vương.
Khoảng 13 tiếng sau khi bay qua Sao Diêm Vương, trạm điều khiển tại Trung tâm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins đã nhận được liên lạc từ "New Horizons" và toàn bộ hệ thống đều nguyên vẹn. Trước đó, các nhà khoa học lo ngại về nguy cơ con tàu trị giá 700 triệu USD sẽ không thể sống sót qua Vành đai Kuiper, khu vực nguy hiểm chứa đầy mảnh vỡ vũ trụ.
NASA cho biết "New Horizons" đã tiến sát Sao Diêm Vương hơn so với kế hoạch ban đầu, cách tiểu hành tinh này khoảng 12.472 km, tương đương khoảng cách giữa New York và Mumbai Ấn Độ và sớm hơn 1 phút so với thời gian mục tiêu ban đầu. Các nhà khoa học cho biết trong nhiều tháng tới, những dữ liệu từ "New Horizons" có thể sẽ giúp giới chuyên gia viết lại lịch sử của ngôi sao này.
"New Horizons" là tàu vũ trụ đầu tiên bay qua Sao Diêm Vương và đi qua Vành đai Kuiper. Người đứng đầu Ban Giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA John Grunsfeld (Giôn Grăn-xpheo) nhận định đây là một "cột mốc trong lịch sử nhân loại". Tàu vũ trụ này hiện vẫn còn đủ nhiên liệu để tiếp tục hoạt động thăm dò trong nhiều năm và các chuyên gia cho biết họ có kế hoạch đề nghị NASA tài trợ để tiếp tục sử dụng "New Horizons" sau sứ mệnh nghiên cứu Sao Diêm Vương.
Trên một thông điệp đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chúng mừng tới đội ngũ thành viên của chiến dịch "New Horizons".
Là tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Diêm Vương, "New Horizons" cho các nhà khoa học cơ hội được nhìn cận cảnh do tiểu hành tinh này ở quá xa không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn kể cả loại đặt ngoài không gian. Với kích thước bằng một chiếc đàn dương cầm, tàu mang theo nhiều máy quay, máy ảnh, quang phổ kế và những dụng cụ khác để phân tích nồng độ bụi, đo đạc thành phần bầu khí quyển, tìm kiếm vệ tinh và tạo bản đổ nhiệt của hành tinh này.