(TT&VH) - Cách đây mới chỉ 1 năm, ý tưởng Francois Hollande sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Pháp sẽ bị người ta cười nhạo, thậm chí các đồng minh chính trị cũng không tin vào khả năng chiến thắng của ông. Nhưng hôm 6/5, Hollande đã dập tắt mọi tiếng cười, khi đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, qua đó trở thành chính trị gia đầu tiên của đảng Xã hội ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất nước sau nhiều thập kỷ.
Francois Hollande sinh ngày 12/8/1954 ở thành phố Rouen và được đánh giá là có tư chất thông minh.
Chính trị gia ở "chiếu dưới"
Ông đã có bằng tốt nghiệp từ Trường thương mại cao cấp Paris, Học viện chính trị Paris (Sciences Po) và Trường hành chính quốc gia (ENA) - những trường đại học danh giá bậc nhất tại Pháp.
Tích cực hoạt động chính trị kể từ khi còn là sinh viên, Hollande đã tham gia vào đảng Xã hội hồi năm 1979 và đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Tổng thống Francois Mitterrand. Ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội Pháp từ năm 1997 - 2008 và là thị trưởng Tulle từ năm 2001 - 2008, bên cạnh một vài lần trở thành nghị sĩ.
Nhã nhặn và có giọng nói nhẹ nhàng, tính tình dí dỏm, Hollande đã xây dựng danh tiếng của bản thân như một nhà quản lý, một chuyên gia thương thuyết và tạo sự đồng thuận, hơn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa.
Tổng thống đắc cử của Pháp, ông Francois Hollande
Tuy nhiên bạn bè lâu năm nói rằng ông không phải là nhân vật gai góc về mặt chính trị. Ông khá ôn hòa, thậm chí hơi trầm, tới mức nhạt nhẽo. Tính cách này trái ngược với sự mạnh mẽ và hào nhoáng của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Ngoài ra, ông cũng luôn bị coi là nhân vật thuộc "chiếu dưới" trong chính trường Pháp. Mặc dù ngồi ghế lãnh đạo đảng Xã hội suốt 11 năm, thời gian Hollande ông nắm quyền, trong nội bộ đảng đầy những chia rẽ và ông cũng có 2 thất bại liên tiếp khi tham gia cuộc đua bầu Tổng thống.
Bản thân Hollande chưa từng ngồi một ghế lãnh đạo cấp nhà nước nào. Đó là điều khiến cử tri băn khoăn, nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông, khi đất nước vẫn đang lâm vào khủng hoảng kinh tế.
Nhưng đó là chuyện xảy ra trước khi vụ "bê bối DSK" diễn ra, trong đó ông Dominique Strauss Kahn, người từng được xem là ứng viên tiềm năng cho ghế Tổng thống Pháp, bị ngã ngựa. Kết quả là phe Xã hội chỉ còn biết dựa vào Hollande để chiến đấu với ông Sarkozy.
Cuộc đua của thỏ và rùa
Trong chiến dịch tranh cử, Hollande đã vạch ra một cương lĩnh trái ngược với ông Sarkozy. Hollande thề sẽ chiến đấu chống tỉ lệ thất nghiệp cao, thông qua việc thuê hơn 60.000 giáo viên nữa trong nhiệm kỳ của ông, bên cạnh 150.000 công việc khác nhau ở các cơ quan nhà nước.
Ông phản đối việc ban hành chính sách tài chính khắc khổ và lên kế hoạch bàn thảo lại về ngân sách châu Âu đã đạt được hồi cuối năm ngoái. Ông muốn thêm vào đó những nội dung mới như tập trung vào việc phát triển kinh tế và kiến tạo việc làm. Ông còn đề xuất việc giảm tới 75% thuế cho những người kiếm được hơn 1 triệu euro mỗi năm và tăng lương tối thiểu.
Trên mặt chính sách ngoại giao, Hollande cho biết ông sẽ rút lính Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm và chỉ can thiệp và các nước khác theo những kế hoạch do LHQ khởi xướng.
Dù bị chỉ trích là "ôn hòa và thiếu quyết đoán", Hollande đã dần bứt lên trước đối thủ, trong một chiến dịch tranh cử phản ánh rõ cá tính của ông: chậm và chắc. Giống cuộc đua của thỏ và rùa, ông đã dần vượt qua đối thủ và chiến thắng mà thậm chí không phải tranh cãi nhiều.
Hollande đã ghi điểm tốt trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào ngày 2/5 vừa qua, khi ông trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình, chất vấn ông là dạng tổng thống nào. Hollande đã đẩy nhẹ chiếc ghế ông ngồi, khoanh tay và nêu ra một loạt luận điểm nói rằng vì sao ông xứng đáng làm Tổng thống. Màn biểu diễn này đã trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất tại Pháp và khiến ông trông "ra dáng" Tổng thống hơn trong mắt cử tri Pháp.
Sẽ là một Tổng thống "bình thường"!
Và việc gì đến cũng phải đến. Khi bầu cho Hollande, ngoài việc “quay lưng” với ông Sarkozy vì 5 năm xáo trộn nước Pháp, không ít cử tri còn đặt vào Hollande niềm tin về sự thay đổi.
"Sự thay đổi... đã diễn ra ngay từ lúc này" - Hollande nói trong bài diễn văn chiến thắng. Ông đã hứa sẽ trở thành "tổng thống của mọi người", chứ không chỉ vì những cá nhân đã bỏ phiếu cho mình. "Chỉ có một nước Pháp... một quốc gia duy nhất, đoàn kết dưới một định mệnh duy nhất" - Hollande nói.
Được biết khi tranh cử, Hollande đã hứa hẹn sẽ là một Tổng thống "bình thường". Theo tờ The National, Hollande đã luôn gây dựng hình ảnh bản thân như một người "bình thường" và nó tương phản với tính cách được xem là phô trương, hào nhoáng của ông Sarkozy. Hollande đã luôn giữ vững hình ảnh "bình thường" này kể từ đầu chiến dịch tranh cử, thông qua các hành động nhỏ nhất như đi gặp gỡ cử tri với đội vệ sĩ tối thiểu, di chuyển bằng tàu hỏa thay vì máy bay. Nhưng ngoài vấn đề mang tính biểu tượng này, các định nghĩa của Hollande về sự "bình thường" còn cho thấy ông sẽ nắm quyền khác với Sarkozy. "Một tổng thống bình thường phải là người mẫu mực" - Hollande nói - "Ông ấy cũng không thể ra quyết định với mọi thứ, làm thay công việc cho thủ tướng, hay chọn ai sẽ đọc bản tin trên đài truyền hình, cũng như thẩm phán nào sẽ được ngồi ở tòa nào vậy".
Sarkozy đã chỉ trích quan điểm của Hollande, nói rằng "sự bình thường" là không đủ để xử lý hàng loạt thách thức khổng lồ về kinh tế, chính trị và xã hội ở Pháp.
Tuy nhiên kết quả bỏ phiếu cho thấy cử tri Pháp đã không tán thành với Sarkozy về cách đánh giá này. Về phần Hollande, ông sẽ có 5 năm tới để chứng minh rằng chiến thắng mà mình giành được, không phải đã tới từ sự may mắn hiếm có.
Tường Linh (Tổng hợp)