(Thethaovanhoa.vn) - Brexit sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Theo điều 50 trong Hiệp ước của EU, những thành viên muốn rút khỏi khối này trước hết phải đàm phán về các điều khoản rút lui đồng thời đề ra một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai với châu Âu.
Tiến trình trên có thể mất tới hai năm. Trước khi các cuộc đàm phán về việc rút khỏi EU kết thúc, nước Anh sẽ vẫn được xem là một thành viên đầy đủ của EU, bị ràng buộc bởi các quy định và hiệp ước của khối. Cho tới khi London và Brussels đạt được thỏa thuận cuối cùng, văn kiện này sẽ phải được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu cũng như ở nghị viện Anh và châu Âu.Nếu như các cơ quan của EU đều bỏ phiếu phản đối văn kiện này, tất cả các bên sẽ phải quay lại bàn thương lượng để phác thảo một hiệp ước mới. Việc này hoàn toàn có thể kéo dài thêm và mất thêm nhiều thời gian.
Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage, người ủng hộ Anh rời khỏi EU, phát biểu tại thủ đô London sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy phe Brexit đang nới rộng khoảng cách ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Về lý thuyết, Anh có thể lựa chọn đơn phương rút khỏi EU, song làm như vậy sẽ khiến các cuộc đàm phán trong tương lai giữa London và Brussels sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nếu Anh muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận thương mại tự do với EU, khối mậu dịch lớn nhất thế giới, sau khi không còn là thành viên của khối này, London không thể phá hỏng quan hệ với Brussels. Rốt cuộc, tiến trình các cuộc đàm phán về Brexit sẽ được quyết định bởi các cuộc thương thuyết chính trị.
Những thông tin rò rỉ mới đây cho thấy Chính phủ Đức muốn nhanh chóng giàn xếp các cuộc đàm phán với London để giảm thiểu bất kỳ sự bất ổn tài chính nào có thể xảy ra sau Brexit.
Ngược lại, Pháp bị cho là muốn gây khó khăn cho sự ra đi của nước Anh nhằm phát đi thông điệp tới những đảng hoài nghi châu Âu ở trong nước. Những lợi ích trái chiều này có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt giữa các thành viên EU.
P.V - TTXVN
Tags