Sau 5 ngày im lặng, tỷ phú Mark Zuckerberg thừa nhận sai lầm trong vụ bê bối của Facebook

Thứ Năm, 22/03/2018 12:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 ngày im lặng giữa “bão bê bối”, CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã quyết định lên tiếng thừa nhận “chúng tôi đã gây ra lỗi lầm”.

Ngày 21/3, ông Mark Zuckerberg đăng một trạng thái trên Facebook và cho biết mạng xã hội này đang thay đổi cách chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba. “Cha đẻ” của Facebook nhấn mạnh: “Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu chúng tôi không thể làm điều này thì có nghĩa là chúng tôi không xứng đáng để phục vụ các bạn”.

“Tôi đang nghiên cứu để hiểu rõ chính xác điều gì đã xảy ra, cũng như làm cách nào để đảm bảo điều này không xảy ra một lần nữa”, ông Zuckerberg viết.

Chú thích ảnh
CEO của Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: The Chronicle

Ông Zuckerberg còn cho biết Facebook sẽ điều tra các ứng dụng đã truy cập được “lượng thông tin lớn” và bất cứ ứng dụng nào khác có “hoạt động đáng ngờ”. Bên cạnh đó, Facebook sẽ thông báo tới những người sử dụng có dữ liệu bị xâm phạm.

Trong tối 21/3, ông Zuckerberg sẽ trực tiếp trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ). Tỷ phú này cũng tuyên bố sẵn sàng điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ việc.

Sau bài đăng của “cha đẻ” Facebook, một số người sử dụng mạng xã hội đã phàn nàn rằng điều họ muốn nghe lại chưa được ông Zuckerberg đề cập, đó chính là cụm từ “chúng tôi xin lỗi”.

Bê bối bắt nguồn từ nội dung đăng trên truyền thông Mỹ, trong đó công ty tư nhân Cambridge Analytica có trụ sở tại London (Anh) đã thu thập dữ liệu của 50 triệu tài khoản Facebook. Trước đó, nhà khoa học Aleksandr Kogan tại Đại học Cambridge (Anh) đã viết ứng dụng có tên thisisyourdigitallife. Với ứng dụng này, người sử dụng sẽ được trả tiền để thực hiện kiểm tra tính cách và dữ liệu của họ được lưu lại cho mục đích khoa học.

270.000 người đã tải ứng dụng thisisyourdigitallife về máy và đăng nhập bằng tài khoản Facebook. Ứng dụng thisisyourdigitallife thu thập dữ liệu của người tải và bạn bè trên Facebook. Vấn đề nảy sinh ở chỗ ông Kogan sau đó chuyển chúng cho Cambridge Analytica. Những người tham gia thisisyourdigitallife đồng ý để Kogan truy cập thông tin về tên, nơi ở, độ tuổi, giới tính, những trang họ đã “thích” và dữ liệu về “bạn trên Facebook” của họ.

Về phần Facebook, công ty này cho biết ông Kogan thu thập dữ liệu cho mục đích khoa học nhưng việc ông này chuyển dữ liệu cho Cambridge Analytica đã vi phạm chính sách của Facebook. Ngày 16/3, Facebook đã chặn ông Kogan và công ty Cambridge Analytica.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Cambridge Analytica bắt đầu hoạt động thu thập dữ liệu người sử dụng Facebook từ năm 2014. Theo tờ Guardian, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica từng hợp tác với đội ngũ vận động bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như chiến dịch ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Cho đến nay, Cambridge Analytica từng khẳng định không hề sử dụng dữ liệu của Facebook trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Tại sao tỷ phú Zuckerberg 'biến mất' khó hiểu giữa lúc bê bối bủa vây Facebook?

Tại sao tỷ phú Zuckerberg 'biến mất' khó hiểu giữa lúc bê bối bủa vây Facebook?

Trong khi cả thế giới đang sục sôi về vụ bê bối Facebook để cho công ty dữ liệu Cambridge Analytica thu thập thông tin trái phép của 50 triệu người dùng,

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›