(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp lời đe dọa cứng rắn của Mỹ, Triều Tiên dường như lại sắp thử tên lửa đạn đạo mới sau vụ thử bom nhiệt hạch sáng 3/9 vừa qua. Điều này chứng tỏ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn còn rất kiên quyết và tham vọng với chương trình vũ khí của mình.
- Trung Quốc có thể làm gì Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch?
- Ông Trump triệu tập loạt tướng lĩnh để đối phó Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
- Triều Tiên tuyên bố sẽ ra thông báo đặc biệt. Nhật Bản điều 3 máy bay quân sự đo độ phóng xạ
Phần lớn người Mỹ đều nghĩ rằng Triều Tiên là một quốc gia "điên khùng" được dẫn dắt bởi một người đàn ông "điên khùng" với ý đồ muốn phá hủy thế giới. Tất nhiên, quan điểm này dường như không hoàn toàn đúng. Cho đến thời điểm này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn thể hiện là một người đủ cẩn trọng, suy tính kỹ lưỡng trong việc phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, kể từ cuối những năm 1980, 5 đời Tổng thống Mỹ luôn nỗ lực hết mình để ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hủy diệt của Triều Tiên. Tuy nhiên thành công cuối cùng để đạt được mục tiêu chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Theo chuyên gia Jon Wolfsthal – cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống và giám đốc Kiểm soát vũ khí và hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, dưới đây là một số bài học đắt giá mà nước Mỹ có thể rút ra sau gần 30 năm căng mình đối đầu với Triều Tiên, cũng như đó là những sơ hở mà nhà lãnh đạo Triều Tiên tận dụng để giành lợi thế cho mình.
Đầu tiên, nước Mỹ luôn muốn một thỏa thuận. Nước Mỹ nói rằng việc Triều Tiên sở hữu một vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được, nhưng dường như họ lại đang chấp nhận điều đó. Sau khi Triều Tiên bị bắt quả tang nói dối về việc sản xuất vật liệu hạt nhân vào đầu những năm 1990, Washington gia tăng các lệnh trừng phạt, nhưng sau đó họ đưa ra một thỏa thuận.
Sau khi phát hiện Triều Tiên tiếp tục lừa dối thỏa thuận đó, Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn, và một lần nữa lại đề nghị một thỏa thuận khác. Khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân năm 2006, Mỹ vừa gia tăng trừng phạt vừa vẫn tiếp tục đề nghị đối thoại. Thậm chí trong những năm dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, Mỹ nói sẽ đối thoại cho đến khi đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Kết luận lại là Mỹ muốn một thỏa thuận, và điều Triều Tiên cần làm là cứ đợi, cứ phát triển chương trình vũ khí hạt nhân cho đến khi nào quốc gia Đông Bắc Á này đạt được một thỏa thuận theo đúng ý họ.
Thứ hai, Mỹ cho rằng việc cô lập kinh tế đối với Triều Tiên sẽ càng ngày càng khiến cho tình hình trong nước tồi tệ hơn, nhưng trên thực tế càng ngày càng có nhiều tiền đổ vào Bình Nhưỡng. Trung Quốc tiếp tục mua than đá, công nhân Triều Tiên tiếp tục tới châu Phi và châu Á làm việc gửi tiền về nhà, chương trình buôn bán vũ khí tại châu Phi và các nơi khác đem lại nguồn thu nhập lớn cho Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt có thể làm tổn hại Triều Tiên, nhưng dường như quốc gia này lại đang ở trong trạng thái tốt hơn nhiều so với 10 năm về trước. Vậy tại sao phải dừng lại sự phát triển ngay bây giờ. Trung Quốc có thể sẽ phải áp đặt thêm một số lệnh trừng phạt mới, song Triều Tiên tin rằng có đủ thỏa thuận được tính sẵn để đối phó với tình hình.
Thứ ba, Mỹ luôn dọa dẫm bằng các biện pháp quân sự nhưng Triều Tiên khẳng định Mỹ sẽ không khơi mào cuộc chiến. Triều Tiên cho rằng nếu như Mỹ đã không tấn công mình khi họ chưa có vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể vươn xa tới lãnh thổ Mỹ, thì chắc chắn với công nghệ Triều Tiên sở hữu hiện tại, Mỹ cũng sẽ không làm thế.
Ngoài ra, Hàn Quốc rất giàu. Họ sẽ không để Mỹ tấn công vì điều đó đồng nghĩa với việc Seoul bị phá hủy. Chính vì vậy, Triều Tiên nghiễm nhiên đi từng bước phát triển chương trình vũ khí hạt nhân cho đến khi nào hoàn thiện và có thể bắt đầu suy nghĩ về một thỏa thuận mà những nước còn lại khao khát.
Thứ tư, Mỹ đang đánh mất vị thế trong khu vực. Thời gian trôi qua, Trung Quốc đang ngày một mạnh hơn. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ phải tự quyết định phe mà mình lựa chọn. Trung Quốc sẽ không đi đâu, và Triều Tiên cũng thế. Thậm chí Trung Quốc còn nêu quan điểm rõ ràng đối với họ, việc sụp đổ chế độ Kim Jong-un là điều đáng lo ngại hơn các hành động khiêu khích của nước này. Triều Tiên sẽ càng ngày càng mạnh hơn, trong bối cảnh Mỹ đánh mất vị thế khu vực vào tay Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ thì ngày càng bị sức ép hơn.
Cuối cùng, đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân là thứ mà ông có thể bấu víu vào. Mỹ đạt thỏa thuận với cố Tổng thống Muammar al-Qaddafi từ bỏ vũ khí, và hãy nhìn tình trạng hỗn loạn ở Libya hiện nay. Saddam Hussein dừng phát triển vũ khí và Mỹ đã lật đổ ông ta. Kim Jong-un có thể nghĩ với việc sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân, ông sẽ kiểm soát được định mệnh của mình.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Tags