Nghi phạm chính trong nạn diệt chủng ở Rwanda bị bắt

Thứ Năm, 08/10/2009 09:48 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Ngày 6/10, Idelphonse Nizeyimana - cựu quan chức quân đội Rwanda bị nghi ngờ sát hại Hoàng hậu Rosalie Gicanda - đã bị bắt giữ tại thủ đô Kampala của Uganda, sau 15 năm lẩn trốn. Ông ta cũng được xác định là thành viên của nhóm tám người đã tổ chức thực hiện nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994.

Gã đồ tể vùng Butare


Idelphonse Nizeyimana
Các quan chức Uganda cho biết nhờ sự phối hợp giữa cảnh sát nước họ và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã dẫn tới kết quả Idelphonse Nizeyimana bị sa lưới. “Ông ta đang ở trong một khách sạn thì bị nhân viên tình báo của chúng tôi phát hiện. Chúng tôi đã nhận diện được ông ta nhờ Interpol” - phát ngôn viên cảnh sát Uganda Judith Nabakooba nói. Elly Womanya, Phó Giám đốc Interpol Uganda, xác nhận Nizeyimana bị bắt vào đầu tuần nhờ tin mật báo và ông ta không kháng cự.


Nizeyimana có biệt danh là “Gã đồ tể vùng Butare”. Ông ta bị buộc tội đã giết hại Hoàng hậu Rwanda Rosalie Gicanda. Bà được xem là lãnh đạo tinh thần của người Tutsi thiểu số. Năm 2000, Tòa án Quốc tế xét xử tội ác diệt chủng ở Rwanda (ICTR) đã truy tố Nizeyimana với 5 tội danh liên quan tới diệt chủng, đồng lõa với hành động diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Theo cáo trạng, Nizeyimana đã cung cấp phương tiện vận tải và lựu đạn cho binh lính tiến hành tàn sát dân thường Tutsi và người Hutu ôn hòa tại thị trấn Butare. Nizeyimana còn lên danh sách các trí thức Tutsi cần phải tiêu diệt và đã không ngăn chặn binh lính dưới quyền cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục những người bị bắt.

Suốt 15 năm qua kể từ khi nạn diệt chủng ở Rwanda chấm dứt, Nizeyimana đã chạy trốn cùng các tay súng Hutu phiến loạn và ẩn náu trong những cánh rừng ở phía Đông CHDC Congo. “Ông ta là kẻ sát nhân số một ở Butare” - Bộ trưởng Tư pháp Rwanda Tharcisse Karugarama nói với hãng tin Reuters - “Việc bắt giữ đối tượng này có ý nghĩa lớn với những người sống sót sau vụ diệt chủng”.

Tội ác kinh hoàng

Idelphonse Nizeyimana sinh tại Gisenyi, vùng lãnh thổ của Rwanda nằm gần hồ Kivu, giáp biên giới CHDC Congo. Năm 1994, Nizeyimana đeo lon đại úy và là chỉ huy tình báo, quân sự của trường đào tạo lính đặc nhiệm Rwanda - ESO.

Sinh cùng quê với Tổng thống Juvenal Habyarimana, thuộc tộc người Hutu, Nizeyimana là thành viên của “vòng tròn quyền lực” gồm các quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Rwanda. Sự kết hợp giữa quân hàm cùng những đặc quyền đã trao cho Nizeyimana quyền chỉ huy các sĩ quan và binh lính tại ESO.

Ngày 6/4/1994, Tổng thống Juvenal Habyarimana bị ám sát. Chiếc máy bay hiệu Dassault Falcon 50 chở ông Habyarimana cùng Tổng thống Burundi Cyprien Ntaryamira đã bị trúng tên lửa khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống Kigali, Rwanda. Vụ sát hại ông Habyarimana được xem như sự kiện mở màn cho nạn diệt chủng. Vài ngày sau đó, Nizeyimana tham gia buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của chính quyền mới ở Butare, nơi lời kêu gọi tàn sát hàng loạt người Tutsi được phát ra công khai.


Một em bé Rwanda tại “kho” hộp sọ các nạn nhân diệt chủng

Nizeyimana nhanh chóng trở thành một trong những kẻ sát nhân tích cực nhất. Ông ta đã tổ chức binh lính và dân quân dưới quyền thành các nhóm sát thủ chuyên giết hại người Tutsi một cách có hệ thống. Nhiều nạn nhân đã bị chém bằng mã tấu và bỏ mặc cho chết dần trong đau đớn tột cùng. Số khác bị bắn, đánh, chặt chân tay. Nizeyimana còn cho thành lập nhiều trạm kiểm soát để chốt các ngả đường và binh lính được phép giết người Tutsi “tùy thích”.

Vài ngày sau khi máy bay chở Tổng thống Habyarimana bị bắn rơi, một nhóm lính Hutu dưới quyền Nizeyimana đã tìm tới nhà riêng của Hoàng hậu Gicanda ở Butare. Chúng đưa bà tới Bảo tàng Quốc gia và bắn chết bà cùng những người hầu. Sau đó chúng quay lại dinh của Gicanda, bắn chết mẹ bà và cướp hết của cải.

Ngoài tội diệt chủng, Nizeyimana còn tham gia nhiều hoạt động chống lại người Tutsi, trong đó có vụ tấn công vào một trường đại học, tổ chức hiếp dâm, lạm dụng tình dục. Trong vòng hơn 3 tháng, gần 800.000 người Tutsi đã thiệt mạng trong nạn diệt chủng. Cuối cùng, các tay súng Tutsi vùng lên giành chính quyền ở Kigale và những kẻ sát nhân phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng.

Năm 2002, Nizeyimana nằm trong danh sách 8 thủ phạm gây nên nạn diệt chủng do Mỹ lập ra. Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt những nhân vật này.

Sau khi Nizeyimana bị bắt, ICTR đã gửi một máy bay để đưa ông ta tới Tanzania, nơi đặt tòa án quốc tế. ICTR cho biết Nizeyimana sẽ phải ra tòa trong vài ngày tới. Tòa án hiện đang đẩy mạnh nỗ lực truy tìm 11 kẻ đầu sỏ đang lẩn trốn và dự định sẽ kết thúc công việc vào cuối năm sau. Cho tới nay, hơn 40 nhân vật đã bị đưa ra ICTR để đối diện với công lý vì tội ác diệt chủng.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›