(Thethaovanhoa.vn) - Nước Mỹ đã chính thức chạm vào "dấu mốc đau buồn" khi tổng số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này hiện là hơn 100.000 người, con số thiệt mạng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi là "kịch bản xấu nhất" về COVID-19 khi phát biểu trong một chương trình của Fox News hồi đầu tháng 5.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy chặng đường phía trước trong cuộc chiến với kẻ thù “vô hình” vẫn còn nhiều gian nan đối với cường quốc hàng đầu thế giới này.
Nếu lấy mốc ngày 29/2/2020, khi nước Mỹ ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 tại bang Washington, thì sau đúng 3 tháng, con số này đã lên tới hơn 102.100 trường hợp. Số ca nhiễm virus vẫn cao nhất thế giới nhất, với trên 1.745.800 trường hợp tính đến ngày 28/5.
Điều đáng lo ngại chính là hiện những con số trên vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng, ngược lại có thể tiếp tục tăng cao khi tất cả các bang của Mỹ bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, thậm chí ngay cả trước khi đợt bùng phát dịch thứ nhất được kiểm soát hoàn toàn, đang trở thành mối lo lớn nhất.
Mỹ đã thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong 2 tháng vừa qua nhằm có thêm thời gian để tăng cường khả năng xét nghiệm cũng như truy tìm những người tiếp xúc với người mắc bệnh COVID-19, từ đó có thể kiểm soát được đại dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng như các nhà dịch tễ học đánh giá Mỹ không đạt được nhiều tiến bộ sau khoảng thời gian này.
Nước Mỹ chỉ đạt được tiến triển rõ rệt nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi số ca nhiễm mỗi ngày trong ba tuần đầu tiên của tháng 5 giảm xuống còn khoảng 24.000 ca, từ con số 29.000 ca mỗi ngày vào thời gian đỉnh dịch trong tháng 4. Số ca tử vong mỗi ngày vì đại dịch này cũng giảm trong tháng 5 với khoảng 1.500 ca so với 1.800 ca trong tháng 4. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số "gây sốc” đối với quốc gia đã trở thành tâm dịch của thế giới, nhất là khi một số quốc gia khác đã nhanh chóng kiểm soát thành công được dịch bệnh.
Ông Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, cho rằng Mỹ đạt được sự tiến bộ chậm hơn nhiều so với hầu hết các nước còn lại trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chuyên gia Jeremy Konyndyk, từng là quan chức phụ trách viện trợ nước ngoài dưới thời Tổng thống Barack Obama, khẳng định “chủ nghĩa ngoại lệ” đã dẫn tới hậu quả trên và khiến Mỹ khó có thể kiểm soát hiệu quả đại dịch này.
Trong thời gian thực hiện biện pháp giãn cách xã hội kéo dài 80 ngày, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Tây Ban Nha đã giảm 93% so với thời gian đỉnh dịch. Con số trên cũng giảm 80% so với thời gian đỉnh dịch ở Italy. Tuy nhiên, ở Mỹ, số ca nhiễm hằng ngày chỉ giảm 28%. Theo bác sĩ Celine Gounder, một chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại trường Y Grossman của Đại học New York, lý do tỷ lệ giảm thấp ở Mỹ bởi cường quốc này đã không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đủ sớm và mạnh mẽ ở hầu hết các bang. Bên cạnh đó, những nỗ lực phản ứng đối với đại dịch COVID-19 ỏ Mỹ bị "mắc kẹt" bởi mâu thuẫn đảng phái.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tất cả các bang đã bắt đầu nối lại hoạt động kinh tế và khi ngày càng có nhiều người dân Mỹ tham gia trở lại các hoạt động nơi công cộng, tương lai của việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch tại quốc gia này không mấy sáng sủa. Hình ảnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông về các bãi biển đông kín người dân, hay các bữa tiệc được tổ chức tại các bể bơi với sự tham gia của nhiều người trong kỳ nghỉ lễ Memorial Day vừa qua, bất chấp cảnh báo của giới chức y tế, khiến các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm mới sẽ tăng lên đáng kể ngay cả trước khi làn sóng dịch đầu tiên lắng xuống. Một nghiên cứu của trường Đại học Washington dự báo số người tử vong trên cả nước Mỹ có thể nhiều hơn gấp ba vào cuối năm, ngay cả khi các quy định giãn cách xã hội vẫn tiếp tục.
Trong thời gian đầu, dịch COVID-19 chủ yếu bùng phát ở các khu đô thị như New York và Seattle, thì nay các ca nhiễm mới đang tăng lên ở các thành phố nhỏ hơn và các khu vực bên ngoài đô thị. Theo số liệu tổng hợp của nhà nhân khẩu học William Frey ở Viện nghiên cứu Brookings, số ca nhiễm ở các khu vực phi đô thị đã tăng lên 12% trong tuần trước và 10% tại các thành phố có hơn 500.000 cư dân.
Đến giai đoạn này, cuộc chiến chống COVID-19 ở Mỹ được đánh giá đan xen cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Theo các chuyên gia, Mỹ hiện đã có một hệ thống chăm sóc sức khỏe được chuẩn bị tốt hơn nhiều so với 2 tháng trước. Số lượng xét nghiệm cũng đã tăng đáng kể với khoảng 400.000 xét nghiệm được tiến hành mỗi ngày trong tuần này tại các phòng thí nghiệm trên cả nước, từ khoảng 250.000 xét nghiệm mỗi ngày vào đầu tháng 5 và khoảng 150.000 mỗi ngày vào giữa tháng 4. Số lượng nhân viên được chính quyền các bang thuê để truy tìm người tiếp xúc với người bệnh cũng tăng đáng kể. Các loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm sớm cũng mang lại nhiều hy vọng,
Tuy nhiên, dù số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà quốc gia này đang tiến hành mỗi ngày đã tăng khoảng một nửa so với tháng trước, nhưng các bang vẫn thiếu những phương tiện cần thiết để theo dõi một cách an toàn và hiệu quả sự lây lan của virus trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, cũng phải mất nhiều tháng mới có thể đưa một loại vaccine, nếu điều chế thành công, vào sản xuất và phân phối.
Thách thức lớn nhất hiện nay chính là sự song hành của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và khủng hoảng kinh tế, và nước Mỹ cần phải tìm ra giải pháp để cân bằng được việc mở cửa kinh tế mà không để bùng phát đợt dịch thứ hai. Bởi nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra, thiệt hại về kinh tế cũng như con người có thể cao hơn nhiều so với hiện nay.
Đặng Huyền – Phóng viên TTXVN tại Mỹ
Tags