(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu UBND TP Hà Nội khắc phục, xử lý các tồn tại trong việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu ra những bất cập trong phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội.
- Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Thiếu và thừa, may và rủi
- Khánh thành dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong gói 30 nghìn tỷ
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, TP Hà Nội chưa công khai thông tin về diện tích đất dành để phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo quy định tại Điều 56 Luật Nhà ở 2014; chưa bố trí quỹ đất và quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NOXH cho thuê quy định tại khoản 2, Điều 54 Luật này.
TP Hà Nội cũng chưa bố trí vốn thông qua quỹ đầu tư phát triển để đầu tư cho các dự án phát triển nhà ở khác, ngoài dự án nhà ở tái định cư; chưa theo dõi tổng hợp số liệu đầy đủ dẫn đến thiếu số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí Quỹ đất, nguồn vốn ngân sách địa phương đầy đủ để xây dựng NOXH, sinh viên, công nhân và nhà ở cho hộ nghèo. Sở Xây dựng và các Sở ngành liên quan tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các tồn tại đã nêu trong Báo cáo kết luận thanh tra.
Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn thường kêu ca rằng, phát triển NOXH khó khăn do thiếu quỹ đất, cũng như các cơ chế khuyến khích. Nhưng theo kết luận thanh tra này thì ngay cả cơ quan quản lý tại Hà Nội cũng chưa công khai thông tin về quỹ đất, cũng như chưa bố trí được quỹ đất cho NOXH. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp thiếu căn cứ để quyết định đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, chính sách vĩ mô chưa dành nguồn lực phát triển thỏa đáng cho lĩnh vực này. Quản lý nhà nước chưa làm tốt.
"Tôi đề nghị cần công khai thông tin về quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực NOXH. Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để có chiến lược phát triển. Chính sách cần có tính mở, tính dài hạn và tạo nhiều ưu đãi để doanh nghiệp có lòng tin đầu tư vào đây", ông Điệp cho biết.
Còn theo chuyên gia bất động sản Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần phân định rõ khái niệm NOXH và nhà thương mại giá rẻ. NOXH cần được hiểu là nhà ở cho thuê giá rẻ, đáp ứng nhu cầu ở của người nghèo, và chỉ cho thuê chứ không bán, đáp ứng quyền được có chỗ ở của ngưởi dân. Nhà nước phải phát triển loại nhà này chứ không thể trông chờ vào doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ để bán cho những người có nhu cầu mua.
"Quy định các dự án bất động sản phải dành quỹ đất 20% để phát triển NOXH đã có nhưng không hiệu quả do doanh nghiệp không mặn mà xây dựng NOXH. Lợi nhuận thấp, thủ tục phức tạp. Nếu quy định doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà thương mại giá rẻ thì doanh nghiệp sẽ hào hứng đầu tư hơn bởi nhà giá rẻ bán vẫn có lãi và cũng dễ bán, thủ tục đơn giản", chuyên gia đề nghị.
Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, TP Hà Nội phải có chủ trương phát triển NOXH cho thuê, thực sự quan tâm đến lĩnh vực này và chỉ đạo Sở Xây dựng lập kế hoạch về quỹ đất, nguồn vốn. Có như vậy thì loại hình nhà này mới phát triển được. Không để tình trạng như hiện nay, chủ trương chưa nhất quán từ trên, thông tin vừa thiếu và mập mờ thì khó có thể "cởi nút thắt" phát triển NOXH.
Mục tiêu phát triển NOXH đến năm 2020 của Hà Nội: Đầu tư xây dựng khoảng 800.000 m2 sàn, đáp ứng 130.000 chỗ ở cho sinh viên; Đầu tư xây dựng khoảng 3.000.000 m2 sàn, đáp ứng 400.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế; Đầu tư xây dựng khoảng 2.223.000 m2 sàn, tương ứng 32.000 căn hộ cho các đối tượng xã hội.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Tags