Liệu pháp truyền huyết tương chỉ có hiệu quả hạn chế trong điều trị COVID-19

Thứ Sáu, 23/10/2020 15:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Huyết tương của những người đã khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không có tác dụng giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn hoặc nguy cơ tử vong đối với những người đang bị bệnh - đó là những kết luận được công bố trên tạp chí y khoa BMJ (Anh) ngày 23/10.    

Liên minh CoVIg Plasma thử nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương

Liên minh CoVIg Plasma thử nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương

 Liên minh CoVIg Plasma - gồm các nhà sản xuất dược phẩm do công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản dẫn đầu - đã lần đầu tiên thử nghiệm lâm sàng điều trị bằng huyết tương cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bối cảnh thế giới chưa có thuốc đặc hiệu hoặc vaccine để phòng ngừa bệnh COVID-19, việc sử dụng huyết tương của những người đã hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19 được coi là một phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân ở thể trung bình. Phương pháp điều trị đã được nhiều quốc gia phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trong đó có Ấn Độ và Mỹ. Cụ thể, các bệnh viện sẽ thu thập kháng thể có trong huyết tương (một dịch lỏng trong máu) của những bệnh nhân đã khỏi bệnh, sau đó truyền các kháng thể này vào máu của bệnh nhân đang được điều trị COVID-19.   

Kỹ thuật này lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1892 để điều trị bệnh bạch hầu, và sau đó cũng chứng minh được hiệu quả trong khả năng tăng tốc độ phục hồi sức khỏe của các bệnh nhân Ebola và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS - cũng là một bệnh do virus corona gây nên.   

Tuy nhiên, trong một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ngẫu nhiên tại hàng chục bệnh viện công và tư nhân trên khắp Ấn Độ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phương pháp này "chỉ có hiệu quả hạn chế", chứ không thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân COVID-19 thể trung bình hoặc ngăn chặn căn bệnh này diễn tiến xấu hơn.   

Chú thích ảnh
Huyết tương của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi được điều trị khỏi bệnh, tại Trung tâm hiến máu Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/2/2020. Ảnh: THX/ TTXVN 

Do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ tài trợ, nghiên cứu này đã theo dõi hồ sơ bệnh án của 464 bệnh nhân trưởng thành (độ tuổi trung bình là 52) trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7/2020. Những bệnh nhân này được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, trong đó một nhóm gồm 229 người được chăm sóc theo tiêu chuẩn tốt nhất tại bệnh viện, trong khi 235 người còn lại cũng được áp dụng tiêu chuẩn điều trị như trên, song được truyền huyết tương 2 lần - mỗi lần cách nhau 24 giờ.   

Kết quả sau 28 ngày cho thấy 44 bệnh nhân (tương đương 19%) trong số những người được truyền huyết tương và 41 bệnh nhân (18%) trong nhóm còn lại có diễn tiến bệnh nặng hơn, thậm chí có người đã tử vong. Xét trên từng nhóm đối tượng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các bệnh nhân có mức kháng thể tương đương nhau. Mặc dù vậy, việc sử dụng huyết tương hỗ trợ điều trị bệnh dường như giúp cải thiện tình trạng khó thở và mệt mỏi của người bệnh, và dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi âm tính cao hơn - một dấu hiệu cho thấy các kháng thể đang trung hòa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.   

Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để xác định liệu việc sử dụng huyết tương có lượng kháng thể trung hòa cao có mang lại hiệu quả cao hơn hay không.   

Cơ quan Y tế Quốc gia Anh cũng đang tiến hành các nghiên cứu quy mô lớn về hiệu quả của việc sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19. Tuy nhiên, một người phát ngôn của cơ quan này cho rằng những mẫu huyết tương ở Ấn Độ có mật độ kháng thể thấp hơn ở Anh khoảng 6 đến 10 lần. Theo quan chức này, đây có thể là một bằng chứng đầy hứa hẹn cho thấy liệu pháp truyền huyết tương với mức kháng thể cao có thể cải thiện kết quả của bệnh nhân.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›