'Liên minh chống IS' - nước cờ xoay chuyển cục diện của ông Putin

Thứ Ba, 29/09/2015 18:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu sáng kiến thành lập một liên minh quốc tế mới, không phải là liên minh do Mỹ đứng đầu, nhằm chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đã thu hút sự chú ý đặc biệt tại khóa họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ.

Với sáng kiến này, Tổng thống Putin đã đưa nước Nga trở lại trung tâm bàn cờ quốc tế sau khi bị các nước phương Tây cô lập vì vấn đề xung đột ở Ukraine.

Rõ ràng, từ nhiều tuần qua, Nga đã giữ thế thượng phong trong hồ sơ Syria qua việc tăng cường mạnh mẽ viện trợ quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad, tiếp đó là cùng với Iraq, Iran và Syria thành lập một trung tâm tình báo ở Baghdad để chiến dịch chống IS hiệu quả hơn. Liên minh chống IS mới do Nga khởi xướng được truyền thông gọi là "4+1", gồm Nga, Iran, Iraq và Syria cùng với lực lượng Hezbollah, trong đó Nga đóng vai trò nổi bật.

Nga đang "can dự tích cực" vào Syria

Những động thái trên của Nga càng làm cho Mỹ và các đồng minh châu Âu cảm thấy sốt ruột khi mà chiến dịch quân sự của phương Tây chống IS dường như không hiệu quả. Từ một năm nay, liên minh quân sự gồm Mỹ và khoảng 60 nước châu Âu, Arab tiến hành không kích các căn cứ của IS tại Syria và Iraq.

Thế nhưng, theo giới quan sát, tất cả các hoạt động quân sự nói trên đều không ngăn cản được sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến. Theo giới tình báo Mỹ, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 30.000 chiến binh nước ngoài tới Syria và Iraq, nhiều gấp đôi so với con số thẩm định được đưa ra cách đây một năm.

Trước sự bế tắc trên thực địa và sau 4 năm xung đột quân sự ở Syria làm hơn 240.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy lánh nạn sang châu Âu, Nga muốn chứng minh rằng chỉ có chế độ của Tổng thống Assad, chứ không phải các nhóm đối lập vốn thiếu sự đoàn kết và thống nhất (được sự hậu thuẫn của Mỹ và liên minh quân sự) mới có thể đánh bại được IS và khôi phục hòa bình cho Syria.

Tại diễn đàn LHQ, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng vũ trang của họ, vốn đang đương đầu một cách dũng cảm với chủ nghĩa khủng bố”.

 Ngày 28/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) bên lề khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng LHQ diễn ra ở New York (Mỹ) để tăng cường hợp tác chống IS. Ảnh: Reuters-TTXVN

Đây cũng chính là điểm khác biệt trong quan điểm của Nga và Mỹ về hô sơ Syria. Trong nhiều năm qua, Mỹ và phương Tây luôn đưa ra điều kiện tiên quyết là Tổng thống Assad phải ra đi ngay lập tức và vô điều kiện. Trong khi đó, Nga vẫn muốn duy trì vai trò của Tổng thống Assad trên sân khấu chính trị quốc gia Trung Đông này.

Lập trường trên của Moskva ngày càng được nhiều nước tán đồng, đứng đầu là Iran. Dù Mỹ vẫn tỏ thái độ cứng rắn với ông Assad, nhưng Pháp, Đức, Anh gần đây đã mềm dẻo hơn khi không còn coi việc ông Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài. Liên quân quốc tế do phương Tây khởi xướng nhận thức được rằng chiến lược của họ, với trọng tâm là dựa vào lực lượng nổi dậy “ôn hòa” để chống IS, đã thất bại.

Cuộc khủng hoảng người di cư, chủ yếu bắt nguồn từ tình hình hỗn loạn tại Trung Đông – Bắc Phi, trở nên nghiêm trọng hơn và nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngày càng phức tạp. Vì thế, có lẽ các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng việc sớm chấm dứt xung đột tại Syria có ý nghĩa quan trọng hơn việc ai sẽ lãnh đạo quốc gia này trong tương lai khi mà cả châu Âu đang lâm vào khủng hoảng người di cư và sẽ không thể có lối thoát nếu xung đột ở Syria không chấm dứt.

Sự can dự tích cực của Nga vào vấn đề Syria buộc phương Tây phải chấp nhận sự tham gia của họ trong một giải pháp ngoại giao. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) cũng phải thừa nhận sẽ là “vô trách nhiệm” nếu từ chối đối thoại với Moskva.

Việc Mỹ phải cùng phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria cũng có thể mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời tạo ra một bầu không khí thuận lợi có thể dẫn tới việc phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trần Thanh Bình (TTXVN)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›