(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hạn chế mua sắm xe ô tô công, nhất là các loại xe đắt tiền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tài chính có hướng sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phải phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung. Xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 2676/BTC-QLCS hướng dẫn việc mua sắm tài sản Nhà nước từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2017 và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Nguồn kinh phí mua xe đã được bố trí trong phạm vi dự toán NSNN năm 2017 được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng theo quy định của pháp luật. Phương thức mua sắm xe ô tô sẽ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đặc biệt, Bộ Tài chính nêu rõ, không được sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô. Việc mua sắm xe ô tô từ nguồn vốn đối ứng (thuộc nguồn vốn chi đầu tư) của dự án sử dụng vốn vay nước ngoài phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và trong phạm vi tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết năm 2016, cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, có 864 ô tô phục vụ chức danh; 17.047 xe phục vụ chung; 16.883 xe chuyên dùng. Chi phí ngân sách bỏ ra để “nuôi” mỗi xe khoảng 320 triệu đồng/xe/năm (chi phí khấu hao, lương lái xe, xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa). Năm 2016, cả nước mua mới thêm khoảng 820 xe công, trong đó khoảng 600 xe chuyên dùng.
Liên quan đến việc xử lý xe biển 80A, 80B hay còn gọi là xe biển xanh cấp cho các doanh nghiệp, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ yêu cầu, với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được cấp biển số 80A, 80B, yêu cầu Bộ Công an báo cáo Thủ tướng và thu lại triệt để, nghiêm túc.
Bộ Công an cũng đang quyết tâm rà soát lại toàn bộ những xe đã được cấp biển xanh và thu lại một cách nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cùng với rà soát xe biển xanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đang giao Bộ Công an xây dựng đề án đấu giá biển số, coi biển số là tài sản, nguồn thu từ việc bán đấu giá biển số được đưa vào ngân sách Nhà nước.
Thu Hường/Báo Tin Tức