(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/10, một thẩm phán đã ra phán quyết yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp bản điều trần của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về vụ điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Giới phân tích nhận định đây là một thắng lợi của đảng Dân chủ trong bối cảnh đảng này đang thu thập bằng chứng cho cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump.
Trong một phán quyết khẳng định tính hợp pháp của cuộc điều tra luận tội, thẩm phán Beryl Howell yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ chuyển giao các tài liệu nêu trên trước ngày 30/10. Phán quyết của thẩm phán Beryl Howell bác bỏ việc Bộ Tư pháp từ chối cung cấp lời khai của công tố viên Mueller theo luật hiện hành.
Đối với lập luận của Nhà Trắng và các nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng cuộc luận tội Tổng thống Trump là bất hợp pháp vì không có biểu quyết chính thức tại Hạ viện, Thẩm phán Howell nói rõ trên thực tế không bắt buộc phải có nghị quyết của Hạ viện trong trường hợp này. Thẩm phán Howell nhấn mạnh: "Thực tế là Nhà Trắng và Bộ Tư pháp đang công khai cản trở các nỗ lực của Hạ viện và công khai nói rằng chính quyền sẽ không hợp tác với Quốc hội trong việc cung cấp thông tin".
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết họ đang xem xét quyết định này. Trong khi đó, chính quyền Mỹ có thể kháng cáo phán quyết của thẩm phán Howell.
Phán quyết trên được đưa ra trong bối cảnh đảng Dân chủ Mỹ đang thu thập lời khai từ các quan chức trong chính phủ đương nhiệm và tiền nhiệm về các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc thúc ép Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ. Bản điều trần của ông Mueller được cho là có thể sẽ hé lộ các chi tiết vốn được giấu kín trước đó về các hành động của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và theo đó giúp thúc đẩy tiến trình luận tội đối với "ông chủ Nhà Trắng".
Danh sách các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump được triệu tập cho cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ đã nối dài thêm ba người. Ngày 25/10, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã gửi trát yêu cầu các ông Russell Vought - quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB); Michael Duffey - phụ trách các chương trình an ninh quốc gia và T. Ulrich Brechbuhl, cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp lời khai cho các nhà điều tra. Trước đó, hồi đầu tháng 10/2019, các nhà điều tra đã yêu cầu 3 quan chức trên cung cấp lời khai song không ai thực hiện.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/10 cho rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phạm sai lầm trong việc lựa chọn một nhà ngoại giao cấp cao, người đã cung cấp bằng chứng có hại cho các nhà điều tra luận tội tại Quốc hội. Đây là một sự chỉ trích công khai hiếm hoi mà ông Trump nhằm vào Ngoại trưởng Pompeo.
Nhà ngoại giao ông Trump nói đến chính là ông Bill Taylor, người được ông Pompeo lựa chọn để điều hành Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine sau khi chính quyền Tổng thống Trump rút đại sứ hồi tháng 5. Ngày 22/10, ông Taylor - Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine, đồng thời là người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2006 đến năm 2009, đã "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump với những báo cáo chi tiết về cách thúc ép chính quyền Kiev làm mất uy tín cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cũng như rút viện trợ quân sự đối với Ukraine để gây áp lực.
Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng lời khai trước Quốc hội của ông Taylor là một sự xác nhận mạnh mẽ đối với những cáo buộc của đảng này rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài nhằm gây tổn hại tới ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Hiện đảng Cộng hòa chưa đưa ra phản ứng về những tình tiết mà ông Taylor vừa công bố, song Nhà Trắng đã bác bỏ cái mà họ gọi là "chiến dịch bôi nhọ phối hợp" này.
Thanh Phương/TTXVN
Tags