Giới chuyên gia vạch rõ những thách thức Tổng thống Putin phải đối mặt

Thứ Ba, 20/03/2018 14:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng của cử tri Nga dành cho nhà lãnh đạo của mình trong bối cảnh nước Nga phải chịu nhiều áp lực chưa từng thấy từ bên ngoài.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, giới phân tích cho rằng trong vòng 6 năm tới, Tổng thống Putin sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề then chốt ở trong nước. Giáo sư Dmitri Evstafiev, Trường Kinh tế cao cấp Moskva, cho rằng trước năm 2018, hoạt động đầu tư của Nga đã bên bờ vực suy thoái. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là Nga cần xây dựng một quy trình đầu tư ổn định trong nước.

Để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước thì cần tạo ra các điều kiện và cơ chế hợp lý hơn. Theo chuyên gia này, ưu tiên thứ hai trong trọng tâm của chính sách xã hội nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Putin là nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, hãng tin AFP cho rằng trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin sẽ hiện thực hóa những cam kết mà ông từng nhiều lần khẳng định, đó là khôi phục nền kinh tế của Nga. Theo đó, ông sẽ phải tập trung giải quyết 5 thách thức kinh tế.

Trước tiên, Nga cần cải thiện tình trạng thiếu nhân lực – vấn đề tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước này. Hiện nay, dân số của Nga là khoảng 146,9 triệu người, ít hơn 5 triệu người so với thời điểm năm 1991 do hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng sau khi Liên Xô sụp đổ.

Không chỉ thiếu lực lượng lao động, Nga còn phải đối mặt với gánh nặng lương hưu đang ngày càng lớn đối với ngân sách liên bang dù mức lương hưu khá thấp. Hiện tuổi nghỉ hưu ở Nga là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

Theo Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory, Nga cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm bớt tình trạng quan liêu. Chuyên gia này cũng cho rằng để giảm phụ thuộc vào năng lượng, Nga nên đa dạng hóa nền kinh tế, cụ thể là đầu tư vào các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh nhỏ, cũng như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như robot, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo.

Ông Weafer nhận định Nga cũng cần khắc phục tình trạng kém hiệu quả của nền kinh tế nước này, trong đó ngành công nghiệp cần phải hiệu quả và đổi mới hơn. Ông dẫn chứng các ví dụ về ngành dầu mỏ, vốn phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt sau khi Bán đảo Crimea (Crưm) sáp nhập trở lại vào Nga năm 2014 và thậm chí khi giá dầu lao dốc, sản lượng vẫn tăng khoảng 740.000 thùng/ngày.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 18/3 vừa qua, đường kim Tổng thống Putin đã giành chiến thắng với 76,66% số phiếu ủng hộ sau khi kiểm 99,84% phiếu bầu. Đây là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống Nga giành được sự tín nhiệm của cử tri cao như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Moskva không muốn chạy đua vũ trang, sẽ giảm chi phí quốc phòng

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Moskva không muốn chạy đua vũ trang, sẽ giảm chi phí quốc phòng

Ông Putin cũng thông báo về kế hoạch cắt giảm chi phí quốc phòng cả trong năm 2018 và năm 2019 song khẳng định việc cắt giảm này sẽ không làm giảm khả năng phòng thủ quốc gia.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›