Ellen Brennan thức giấc vào một buổi sáng đẹp trời, mở cửa sổ và đưa mắt ngắm nhìn cánh rừng thông xanh rì đang vươn lên ở thung lũng Chamonix, nằm dưới chân ngọn núi Mont Blanc phủ tuyết trắng.
Niềm đam mê không dành cho kẻ yếu tim
Trong 6 năm qua, Brennan đã ném mình khỏi nhiều đỉnh núi, trên người chỉ mặc mỗi bộ quần áo đặc biệt và một chiếc dù, vốn khó có thể đảm bảo việc giúp cô tránh khỏi nguy cơ rơi xuống đất và chết đầy đau đớn.
Cô kiểm tra thời tiết. Chẳng mấy phút nữa cô sẽ khởi hành tới "Aiguille du Midi", một vách đá granite dốc đứng đầy hiểm trở, nơi cô sẽ thực hiện cú nhảy khó nhất đời mình. Ở đó, cô sẽ chỉ có 3 giây trước khi tăng tốc lên 160km/h, vặn mình né tránh các mỏm đá nguy hiểm và bắt đầu bay qua dãy núi Alps đáng sợ ở phía dưới. "Chẳng có sự lựa chọn nào cả ngoài việc anh phải bắt đầu bay" - cô chia sẻ với CNN.
Khi sử dụng từ "bay", Brennan đã mô tả chính xác môn thể thao mà cô đang theo đuổi. Năm 2006, một đoạn video được tung lên YouTube đã lần đầu cho thế giới biết về một "người bay" hiện đại, đang lướt đi trên không cùng bộ quần áo có cánh đặc biệt. Người ta gọi anh là "The Flying Dude" và đoạn video cho thấy anh nhảy ra từ một chiếc trực thăng nằm trên khu resort trượt tuyết Verbier của Thụy Sĩ khoảng 300m.
Dù trước đó nhiều người đã nhảy ra khỏi máy bay với các bộ quần áo cải tiến, "đồ chơi" của "The Dude", tên thật là Loic Jean-Albert, lại khác hẳn. Nó được vận động viên nhảy dù mạo hiểm Patrick de Gayardon người Pháp phát triển và hoạt động giống như một chiếc tàu lượn có kích cỡ bằng cơ thể người. Bộ quần áo tạo lực nâng nhờ các cánh nhỏ nối 2 chân và từ thân lên tay vận động viên. Lực nâng khiến họ có thể bay trên một quãng đường rất xa.
Trong đoạn video nổi tiếng kể trên, Loic Jean-Albert, đã hơi chòng chành một chút trước khi bắt đầu lướt trên không rồi lượn trên đường trượt tuyết trắng xóa ở dưới chân, chỉ cách có vài mét so với những người trượt tuyết đang tròn mắt kinh ngạc nhìn anh.
Mục tiêu của trò thể thao mạo hiểm này thực tế cũng là "bay ở cự ly gần" so với mặt đất. Người bay sẽ lướt qua rất gần các ngọn cây, cách vách đá đầy nguy hiểm, để họ có cảm giác giống như chim. Trong chuyến bay, tốc độ trung bình thường dao động từ 160-200km/h. Với tốc độ đó, một sai lầm nhỏ nhất hoặc một cơn gió tạt nhẹ nhất cũng sẽ khiến vận động viên rơi vào trạng thái mất ổn định và gặp tai nạn mất mạng.
Việc hạ cánh yêu cầu vận động viên phải đạt được một khoảng cách lớn so với địa hình bên dưới trước khi có thể bung dù. Tuy nhiên nó cũng đầy hiểm nguy, như khi người ta nhảy khỏi đỉnh núi vậy.
Từ chỗ nhảy khỏi máy bay cánh cố định, những người bay ưa mạo hiểm bắt đầu nhảy khỏi trực thăng bay ở độ cao thấp, khỏi các mỏm đá, các đỉnh núi. Môn thể thao này chỉ được một nhóm nhỏ các vận động viên nhảy dù mạo hiểm và vận động viên nhảy dù BASE (một biến thể của môn nhảy dù, chuyên nhảy từ những vách cao và dùng dù để tiếp đất) rất giàu kinh nghiệm thực hiện. Nhưng bất kỳ ai từng trở thành người bay đều có thể kể ra tên một hoặc vài người bạn đã chết. Họ nói rằng 1/10 những người bay sử dụng quần áo có cánh sẽ mất mạng. Nhưng nỗi hiểm nguy không ngăn được Ellen.
Kiều nữ trong môn thể thao của phái mạnh
Ellen Brennan đến Pháp vào năm 2009 với hy vọng sẽ học được ngôn ngữ nơi đây và trở thành y tá ở Tây Phi. Nhưng khi tới Chamonix, cô đã từ bỏ tất cả mục tiêu ban đầu. Với cô, môn thể thao đầy mạo hiểm mà người ta thực hiện ở đây mang tới trải nghiệm không giống ai. Người bay sẽ có cơ hội lướt trên vùng đất đẹp đẽ ở phía dưới, giống như một chú chim.
"Cảm giác thật độc đáo. Anh biết mình sẽ nhìn thấy một phần của thế giới theo cách thức chưa ai khác từng làm điều tương tự trước đó" - cô chia sẻ - "Khi hạ cánh, anh có cảm giác nhẹ nhõm, vừa đạt được điều gì đó và hài lòng. Anh đã đạt được điều mà không ai khác có thể làm được".
Brennan là một trong những vận động viên hàng đầu của môn thể thao mạo hiểm này. Cô là nữ người bay duy nhất được mời tranh tài trong giải World Wingsuit League mới diễn ra. Trong các cuộc đua có tính thời gian, cô đã lọt vào Top 8 vận động viên xuất sắc nhất và giành lấy danh hiệu "nữ người bay nhanh nhất Trái đất".
Trong môn thể thao vẫn còn đang ở buổi trứng nước như thế, Brennan vô tình đã trở thành một nhà tiên phong. Làm chủ bộ môn nhảy dù mạo hiểm và nhảy BASE không lâu sau khi bước vào sinh nhật thứ 18, cô bắt đầu thử sức với quần áo có cánh và nhanh chóng thực hiện từ 500 - 600 cú nhảy cùng nó. Cô đã là người đầu tiên cất cánh từ rất nhiều trong số các đỉnh núi đầy hiểm nguy quanh Chamonix.
Nhưng Brennan không phải dạng "điếc không sợ súng". Cô là một người thực tế, thừa nhận thường cảm thấy sợ hãi và không bao giờ quá cứng đầu để tự xuống núi một mình nếu điều kiện thời tiết thay đổi, trở nên tệ hại. Brennan cho biết trong những ngày đầu, nguy hiểm số 1 của các vận động viên như cô là hư hỏng thiết bị. Giờ mối nguy hiểm là không biết khi nào thì nên từ chối nhảy khỏi các vách đá.
Sau một hành trình mệt nhọc lên đỉnh "Aiguille du Midi", Brennan đã tới vị trí nhảy. Nó nằm ở một mỏm đá hẹp tới mức còn chưa đủ chỗ cho một người đứng. Ở bên trái và bên phải mỏm đá này đều là một khoảng trống và bất cứ ai rời khỏi mỏm đá sẽ rơi thẳng xuống dưới tới 120 mét.
Mặc bộ đồ màu hồng, Breenan nín thở, kiểm tra gió và vị trí của mặt trời. Rồi cô nhảy. Trong 2 giây rưỡi, mặt đất như lao thẳng tới Brennan, mỗi lúc một nhanh hơn. Thế rồi cảm giác chấp nhận đầy hạnh phúc tràn ngập cô, cùng lúc với việc các cánh trên bộ quần áo mở ra và cô bắt đầu lướt đi.
Điểm nhảy khỏi mỏm đá nằm cách điểm hạ cánh 3 km và trong vòng 2 phút rưỡi tiếp theo, cô hoàn toàn bay mà không cần sự trợ giúp của hệ thống máy móc nào. "Tôi nghĩ ai cũng mơ về việc được bay" - cô chia sẻ - "Chính tôi vẫn còn mơ như thế. Nhưng nay nó đã liên quan tới các bộ đồ có cánh...".
Bay với quần áo có cánh nguy hiểm như thế nào? Giáo sư Kjetil Soreide, người lãnh đạo cuộc nghiên cứu, nói rằng các vận động viên nhảy BASE với quần áo có cánh ít khi bị thương tật nghiêm trọng. Nhưng nếu bị thương tật nghiêm trọng, nguy cơ mất mạng của họ cao hơn nhiều các môn thể thao mạo hiểm khác, bởi tai nạn hay xảy ra ở vùng hẻo lánh, ngoài tầm với của lực lượng cứu hộ. Tuần báo y tế Bandolier, do các nhà khoa học từ Đại học Oxford biên tập và viết bài, đánh giá nguy cơ mất mạng từ bay bằng quần áo có cánh cao hơn 43 lần so với nhảy dù mạo hiểm từ máy bay. |
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa