(Thethaovanhoa.vn) - "Người khổng lồ" mạng xã hội đang dính bê bối cho biết sẽ nâng cấp toàn diện các công cụ cài đặt cá nhân (privacy settings) để giúp kiểm soát chặt chẽ hơn thông tin về người dùng trên trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.
- Vì sao tạp chí 'người lớn' Playboy tuyên bố tẩy chay Facebook?
- Thêm một tiết lộ chấn động trong vụ bê bối của Facebook
"Chúng tôi đã nghe phản hồi mạnh mẽ và rõ ràng rằng tính năng cài đặt cá nhân và các công cụ quan trọng khác hiện rất khó để tìm ra và chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để thông báo cho người dùng biết", trưởng bộ phận thông tin cá nhân của Facebook, Erin Egan và Phó cố vấn Ashilie Beringer viết trên blog, được AFP dẫn cho biết. "Chúng tôi đang tiến hành nhiều bước đi bổ sung trong những tuần tới để giúp người dùng kiểm soát chặt chẽ hơn thông tin cá nhân của họ", hai quan chức Facebook khẳng định.
Những nâng cấp bao gồm cải thiện tính năng truy nhập vào công cụ cài đặt của người dùng Facebook, một menu gồm những shortcut cá nhân và những công cụ để tìm kiếm, tải xuống và xóa dữ liệu cá nhân được lưu trữ bởi Facebook.
Tuần trước, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận họ đã mắc sai lầm nghiêm trọng, gây tổn thương tới niềm tin của người dùng và sẽ vạch ra những giải pháp khắc phục sau khi đối mặt với bê bối để lộ dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook cho công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica. Ông Zuckerberg cho biết, công ty sẽ xem xét lại toàn bộ các ứng dụng (apps) đã truy cập tới một lượng lớn dữ liệu từ trước khi Facebook thực hiện những thay đổi vào năm 2014.
Hiện nay, các nhà chức trách tại Mỹ và Anh đang khẩn trương điều tra việc công ty Cambridge Analytica đã sử dụng các dữ liệu của người dùng Facebook ra sao. Hôm 23/3, giới chức Anh đã bất ngờ khám xét trụ sở Cambridge Analytica tại London.
Sau những tiết lộ của cựu nhân viên Christopher Wylie, Cambridge Analytica đang phải đối mặt với cáo buộc thu thập trái phép thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016. Phía công ty đã bác bỏ cáo buộc này đồng thời khẳng định rằng họ đã xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ ba vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.
Tuy nhiên, hôm 23/3, Cambridge Analytica lại tiếp tục chịu thêm các cáo buộc cho rằng công ty này liên quan tới chiến dịch vận động bỏ phiếu quyết định đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 sau khi cựu Giám đốc Kinh doanh Cambridge Analytica là Brittany Kaiser tiết lộ công ty đã khảo sát số liệu cho chiến dịch Leave.EU, một trong những nhóm vận động hàng đầu.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng đang đối mặt với một phiên điều trần tại Quốc hội Anh, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4 tới. Hôm 27/3, ông Zuckerberg đã từ chối ra điều trần và đề xuất cử một trong những đại diện của mình đến thay.
Giá cổ phiếu Facebook đã giảm 18%, đồng nghĩa với hơn 100 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã bị thổi bay, kể từ ngày 17/3 khi vụ bê bối với Cambridge Analytica vỡ lở.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Tags