Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đầu tư từng chặng ngắn

Thứ Ba, 18/09/2012 17:08 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Ngày 17/9, tại TP.HCM, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo và cuộc họp chung giữa các bên liên quan lần thứ 2 về Phát triển đường sắt Bắc - Nam, đoạn TP.HCM - Nha Trang có chiều dài hơn 366 km.

Trong hội thảo, nhiều ý kiến của Sở GTVT các tỉnh thành, các nhà khoa học đều nhất trí cần xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT), nhưng phải xem xét kỹ tính hiệu quả, vốn đầu tư và thời điểm đầu tư.

Năm 2010, phương án xây dựng ĐSCT Bắc - Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, nhưng đa phần đều không đồng ý với đề xuất lúc đó của Bộ GTVT, bởi kinh phí đầu tư quá lớn (khoảng 58 tỷ USD cho toàn tuyến 1.700 km).

9-10 tỷ USD cho mỗi chặng Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang Đại diện JICA cho rằng, với khả năng tài chính của Việt Nam hiện nay không thể đầu tư toàn tuyến ĐSCT Bắc - Nam dài 1.700km được, mà cần đầu tư từng tuyến ngắn khoảng trên dưới 300km/tuyến.



Hiện JICA đang nghiên cứu các phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Ảnh minh họa

Hiện JICA đang nghiên cứu các phương án đầu tư tuyến ĐSCT Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Theo đại diện JICA, tuyến Hà Nội - Vinh dài khoảng 300km đi qua 6 tỉnh thành, sẽ vẫn sử dụng các nhà ga hiện nay làm ga đến, nhưng tuyến đường sẽ đi thẳng để đảm bảo tốc độ 200km/h. Lợi thế của việc sự dụng các nhà ga của tuyến đường hiện hữu là tránh việc giải tỏa đền bù, tiết kiệm quỹ đất… cũng như giúp hành khách đi lại dễ dàng hơn.

Theo tính toán của JICA thì sẽ cần khoảng 9 tỷ USD để xây dựng tuyến ĐSCT này.

Tuyến TP.HCM - Nha Trang có chiều dài khoảng 370km, đi qua 5 tỉnh thành được đề xuất với 6 ga lớn, (gồm Nha Trang, Tháp Chàm, Tuy Phong, Phan Thiết, Long Thành, Thủ Thiêm) nhưng phương án chọn nhà ga đầu cuối là ga Hòa Hưng (hiện tại) hay ga Thủ Thiêm (trong tương lai) vẫn còn chưa được xác định. Đề xuất tối ưu của phía JICA là chọn xây dựng ga Thủ Thiêm, bởi các yếu tố lợi thế như tính kết nối giao thông đô thị tốt, có thể làm tuyến trung chuyển với đường sắt đô thị của TP.HCM và làm tuyến đầu xây dựng ĐSCT TP.HCM - Cần Thơ.

Ước tính sẽ tốn trên 10 tỷ USD để xây dựng tuyến TP.HCM - Nha Trang.

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, về cơ bản các vị trí xác định nhà ga do Đoàn nghiên cứu đề xuất là khá hợp lý, tuy nhiên tháng 8/2012 UBND TP.HCM đã có công văn gửi Bộ GTVT, nêu ý kiến không đồng ý xây dựng nhà ga Thủ Thiêm (Q.2). Lý do là diện tích đất chỉ có 17ha, đây là ga cụt không thể mở rộng trong tương lai. Đặc biệt, ga Thủ Thiêm không thể làm đầu tuyến xuyên tâm thành phố đi Cần Thơ…

Đồng thời, theo ông Trường, vị trí đặt ga tại Long Thành nên nằm trong Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ phát huy hiệu quả hơn, giữa ga Phan Thiết và Long Thành (dài khoảng 117 km) nên có thêm ga Long Khánh, nơi có tiềm năng phát triển, đô thị lớn trong tương lai.

Không thể cải tạo đường sắt hiện tại vì khổ hẹp

Đại diện của JICA cho biết, các phương án nghiên cứu theo như thảo luận của các đại biểu Quốc hội (năm 2010) cũng đã được tiến hành để làm sáng tỏ băn khoăn của nhiều người về hiệu quả và tính khả thi.

Theo nghiên cứu, việc nâng cấp đường sắt khổ 1m hiện tại khó có thể rút ngắn được tốc độ chạy tàu xuống 25 giờ từ Hà Nội đi TP.HCM. Tốc độ tối đa cũng chỉ đạt 70km/h, trong khi nhu cầu hành khách sẽ tăng rất nhanh trong tương lai gần.

Theo ước tính đến 2030 nhu cầu sẽ vượt mức 50 tàu/ngày/2 hướng, cũng là năng lực tối đa của tuyến đường đơn trên tất cả các đoạn. Việc cải tạo sẽ không đáp ứng được nhu cầu tương lai.

Bên cạnh đó việc nâng cấp đường sắt khổ 1m lên 1,435m sẽ gặp nhiều trở ngại như: Phải xây dựng lại phần lớn cầu do lệch tâm; phải bố trí lại một phần sơ đồ ray trong ga do phải chuyển khổ đường; tăng chi phí bảo trì; phải dừng chạy tàu trong khoảng thời gian xây dựng; không thể kết nối trực tiếp giữa Hà Nội và TP.HCM trong thời gian dài…

Trường hợp nếu có cải tạo lên dạng đường sắt khổ 1,435m cũng chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 160km/h đối với tàu khách, 80km/h đối với tàu hàng.

Nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất

Tại hội thảo các ý kiến của đại biểu đều thống nhất, JICA cần tham vấn ý kiến của các tỉnh thành, các nhà khoa học để có đủ thông tin về quy hoạch, địa chất, dân cư, đặc tính văn hóa xã hội… cho báo cáo hoàn chỉnh từng tuyến ĐSCT.

Việc nghiên cứu quy hoạch phải xét đến yếu tố hiệu quả trong xây dựng ĐSCT, bởi giá trị đầu tư là rất lớn. Cần xem xét đến hiệu quả cạnh tranh với các loại hình giao thông khác như đường bộ cao tốc, máy bay, tàu thủy. Nếu giá vé quá cao so với đi xe khách, hay gần tương đương với giá vé máy bay thì cũng khó cạnh tranh và khó có khả năng thu hồi vốn.

Theo đại diện JICA, đến năm 2013 sẽ hoàn chỉnh nghiên cứu khả thi đệ trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi, bởi theo dự báo kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể làm được.

Tiến sĩ Iwata Shizuo, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA cho biết, các phương án tối ưu được báo cáo hiện nay mới chỉ mang tính sơ bộ. Kết quả đánh giá cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi tiếp thu kết quả thảo luận tại phiên họp chung các bên liên quan tại Hà Nội và TP.HCM vào cuối năm 2012.

Thái Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›