Dự thảo ngân sách của Tổng thống Mỹ bị gọi là 'kế hoạch tồi'

Thứ Sáu, 17/03/2017 10:20 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Dự thảo ngân sách quốc gia cho tài khóa 2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình khoa học, y tế và môi trường trong nước và nước ngoài, đã hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên gia khi cho rằng kế hoạch trên sẽ đe dọa đến "Hành tinh xanh". 

Ngày 16/3, một số nhà hoạt động môi trường đã nhanh chóng lên tiếng phản đối dự thảo ngân sách của Tổng thống Trump, gọi đây là một kế hoạch "tồi tệ", đặc biệt khi nó đề xuất giảm mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học, môi trường trong khi lại tăng mạnh chi tiêu quốc phòng thêm 52 tỷ USD. 


Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình khoa học, y tế và môi trường 

Đề cập đến đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) trong dự thảo ngân sách, Phó Giám đốc về quan hệ chính phủ tại Tổ chức Bảo tồn đại dương Addie Haughey cho rằng thông điệp của dự thảo ngân sách mà Nhà Trắng muốn gửi đến là "đại dương của chúng ta - động lực thúc đẩy nền kinh tế trị giá 359 tỷ USD và hỗ trợ hàng triệu người dân - đơn giản không phải là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump". 

Theo chuyên gia này, kế hoạch trên cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, kế sinh nhai và sự an toàn của hàng trăm nghìn người dân ở vùng duyên hải trải dài từ Alaska đến Hawaii, từ bang Oregon đến bang Florida. 


Kế hoạch cắt giảm ngân sách sẽ ảnh hướng đến cuộc sống của người dân ở Alaska

Trong khi đó, Phó Chủ tịch cấp cao thuộc Nhóm vận động Oceana, bà Jacqueline Savitz cũng kêu gọi Quốc hội bác bỏ dự thảo ngân sách trên, cho rằng đề xuất cắt giảm trên có thể làm tê liệt các cơ quan chủ chốt như Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Đội Bảo vệ bờ biển, cũng như sẽ phá hỏng những nỗ lực trong suốt hàng thập kỷ bảo vệ đại dương. Theo bà Savitz, những cơ quan liên bang này với ngân sách được tài trợ sẽ cho phép các điều luật về bảo tồn đại dương có thể quản lý nghề đánh bắt cá, bảo vệ các sinh vật biển có vú và các loài bị đe dọa, bảo tồn môi trường biển, làm sạch dầu trong các sự cố tràn dầu và nhiều lợi ích khác. 

Không chỉ ảnh hưởng đến các chương trình môi trường, kế hoạch ngân sách của Tổng thống Trump cũng tác động không nhỏ đến ngành khoa học vũ trụ và y tế. Theo đó, ngân sách của Viện Y tế quốc gia, cơ quan chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu y học, sẽ mất 5,8 tỷ USD và chỉ còn 25,9 tỷ USD cho tài khóa 2018. 

Ngoài ra, 4 sứ mệnh nghiên cứu khoa học Trái Đất của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cũng sẽ bị chấm dứt, trong khi 3 chương trình vệ tinh nhằm mục đích nghiên cứu biến đổi khí hậu và đại dương cũng sẽ không bao giờ được triển khai. Tuy nhiên, ngân sách của NASA sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do chỉ bị cắt giảm chưa đầy 1%. 


Sứ mệnh nghiên cứu trái đất của NASA cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Mặc dù quản trị viên của NASA, ông Robert Lightfoot, mô tả kế hoạch của Nhà Trắng đã đề xuất "một ngân sách tích cực về tổng thể cho NASA", song người phát ngôn Tổ chức Hòa bình xanh Travis Nichols lại chỉ trích gay gắt khi cho rằng dự thảo trên đã hoàn toàn bộc lộ sự tham nhũng và thiển cận của Chính quyền Tổng thống Trump. 

Tương tự, Giám đốc quản lý Viện Tài nguyên thế giới Manish Bapna cũng chỉ trích dự thảo ngân sách trên tiếp tục cho thấy sự coi thường của chính quyền Washington đối với các ưu tiên có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe của người dân và nền kinh tế. Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu các giải pháp khí hậu và năng lượng Bob Perciasepe (Bốp Pơ-xia-xép) cũng hối thúc Quốc hội bác bỏ đề xuất cắt giảm trên, cho rằng cần thúc đẩy các chương trình giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe, thúc đẩy nền kinh tế và an ninh dài hạn. Ông cũng cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá đắt trong tương lai nếu ngay bây giờ không hành động để bảo vệ môi trường.

Theo TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›