Đọc & ngẫm về thế giới 2016: Phương Tây 'rung chuyển' vì CHỦ NGHĨA DÂN TÚY

16/12/2016 22:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy trong năm 2016 đã gây ra một loạt cơn "địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây.

Bắt đầu được nhắc tới nhiều từ kết quả một số cuộc bầu cử ở châu Âu, song cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh mới thực sự gây sốc cho toàn thế giới khi người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi là Brexit, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế.

Chỉ vài tháng sau, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn tỷ phú Donald Trump làm tổng thống thứ 45, bất chấp trước đó lợi thế luôn nghiêng về đối thủ Hilary Clinton.


Thế giới rung chuyển vì chiến thắng của ông Trump và Brexit

Các "cơn địa chấn" đó không dừng lại mà đang và sẽ tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu. Từ Hà Lan tới Ba Lan, từ Thụy Điển tới Italy, thậm chí cả Pháp, Đức, Séc... thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề như chênh lệch giàu nghèo hay làn sóng nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó lường.

Đến tháng cuối cùng của năm 2016, châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Thất bại của ông Renzi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho "Phong trào 5 sao" - vốn là phong trào dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống.

Tại Áo, ứng cử viên Norbert Hofer của đảng Tự do chủ trương chống nhập cư suýt làm nên cơn "địa chấn" nữa khi chỉ thua rất sít sao ứng viên đến từ đảng Xanh Alexander Van der Bellen trong cuộc bầu cử tổng thống.

Số cử tri ủng hộ ông Hofer tăng nhanh trong thời gian qua là do ứng cử viên tổng thống này biết khai thác những bức xúc và nỗi sợ hãi trong xã hội Áo. Ông nói nhiều về nạn thất nghiệp, về sự cần thiết phải kiểm soát chặt hơn dòng người tị nạn và những đối tượng “di cư vì kinh tế”, chống lại việc hội nhập chính trị sâu hơn vào EU và phản đối sự hình thành “một nước Mỹ tại châu Âu”.

Kênh hợp pháp để kêu gọi thay đổi đường lối

Có thể thấy chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri bị thiệt thòi thể hiện nỗi thất vọng của mình và kêu gọi thay đổi đường lối.

Thể hiện rõ nhất là trong các cuộc tranh luận về nhập cư. Ở Mỹ, đề xuất của ông Trump về việc ngăn chặn, không để người Hồi giáo vào nước Mỹ và xây dựng bức tường để ngăn người nhập cư vượt qua biên giới từ Mexico đã giành được ủng hộ.

Tương tự như thế, ở châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy đã lợi dụng hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông để thuyết phục người dân rằng các chính sách mà EU áp đặt đe dọa không chỉ sự an toàn của người châu Âu mà còn đe dọa cả nền văn hóa của họ.

Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường được xem là ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh dễ quay lưng lại với EU.


Người nhập cư vượt qua hàng rào dây thép ở biên giới để vào Hungary

Bên kia bờ Đại Tây Dương, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tỷ phú Trump - người hoan nghênh quyết định Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa - đã mô tả đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, tập trung vào chỉ trích mạnh toàn cầu hóa, đặc biệt là người nhập cư và những nhà lãnh đạo “quyền uy”, những người "đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm chống lại những người công nhân bình thường" ở Mỹ.

Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là màn trình diễn đỉnh cao của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ. Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ.

Dường như không quốc gia nào ở phương Tây "miễn dịch" với chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Tuy nhiên, chiều hướng này cũng không hẳn là quá bất ngờ nếu xét tới thực trạng xã hội phương Tây hiện nay, vốn đã thay đổi đáng kể do quá trình toàn cầu hóa và vấn đề người di cư, Trên thực tế, chủ nghĩa dân túy phát triển là do một bộ phận người dân "cảm thấy rằng mình đang bị tổn thương".

Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng các lao động địa phương đang bị lấn át và mất việc làm vào tay những người di cư, hay sự tràn lan của hàng hóa giá rẻ - sản phẩm của các thỏa thuận thương mại tự do, đang tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa.

Có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017

Giới phân tích cũng lo ngại chủ nghĩa dân túy có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Hà Lan, quốc gia sẽ khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 15/3, hiện được coi là "liều thuốc thử" cho nền chính trị châu Âu.

Chính khách Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do và là đảng chủ trương chống người Hồi giáo, muốn người Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tên “Nexit”, tương tự như "Brexit" ở Anh.

Còn tại Pháp, các cử tri nước này đã 2 lần ủng hộ đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối dân túy cực hữu ra tranh cử. Sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Trump cho thấy không gì không thể xảy ra. Trong bối cảnh phe cánh tả đang suy yếu, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thêm nhiều cơ hội trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Với nền kinh tế hùng mạnh nhất ở châu Âu, Đức được cho là có sức kháng cự mạnh nhất trước chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào mùa Thu năm sau sẽ cho thấy liệu nước Đức có đứng vững hay không. Uy tín của Thủ tướng Angela Merkel vừa qua đã sụt giảm mạnh do bà mở cửa đón người nhập cư và khiến nhiều người Đức bất bình. Bà Merkel sẽ phải đối chọi với đảng AfD bài Hồi giáo vốn đang nhận được sự ủng hộ của 13% cử tri Đức và hơn cả là chính những chỉ trích trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền.

Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu.

Séc sẽ tổ chức bầu cử hạ viện vào tháng 10/2017. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) cầm quyền giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO, chính đảng đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Séc đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO. Chưa kể đảng "Hiện thực" (Realists) mới ra đời và theo chủ nghĩa dân túy, cũng đặt mục tiêu giành được khoảng 20% sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử này.

Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri.

Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện và nếu các nhà chính trị không cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân, thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới./.

TRẦN THANH BÌNH (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm