Dịch Covid-19 thế giới ngày 6/6: Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 52 triệu ca nhiễm

Chủ nhật, 06/06/2021 22:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 6/6, thế giới đã ghi nhận hơn 173,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tập trung chủ yếu vào Mỹ (hơn 34 triệu ca), Ấn Độ (hơn 28,8 triệu ca) và Brazil (hơn 16,9 triệu ca).

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 6/6: Dịch bệnh tại Ấn Độ có chiều hướng khả quan hơn

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 6/6: Dịch bệnh tại Ấn Độ có chiều hướng khả quan hơn

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 6/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 173.705.211 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có  3.735.771 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là156.575.832 người.     

Số ca tử vong trên toàn thế giới đã lên hơn 3,73 triệu ca, trong đó hơn 612.000 ca ở Mỹ, hơn 472.000 ca ở Brazil và hơn 347.000 ca ở Ấn Độ.         

Hiện châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 52 triệu ca nhiễm và hơn 709.000 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với hơn 46,8 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ đã ghi nhận gần 40 triệu ca nhiễm và hơn 900.000 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã có hơn 29,5 triệu ca nhiễm và hơn 914.000 ca tử vong.         

Tại châu Á, ngày 6/6, Ấn Độ ghi nhận 114.460 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức theo ngày thấp nhất tại nước này trong hai tháng trở lại đây. Ấn Độ cũng ghi nhận 2.677 ca tử vong mới và đây cũng là mức thấp nhất trong 42 ngày. Trong khi đó, Pakistan cũng thông báo ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 3 tháng (1.629 ca). Cùng ngày, Bộ Y tế Mông Cổ đã ghi nhận trẻ em đầu tiên tử vong vì COVID-19 là một bé gái 8 tuổi. Bộ trên cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính đang tăng lên đáng kể, đồng thời kêu gọi mọi người tuân thủ các chỉ dẫn y tế. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/11/2020. Ảnh AFP/TTXVN

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Miêu Lật (Miaoli) trên đảo Đài Loan thông báo cách ly toàn bộ công nhân nước ngoài tại công ty đóng gói chip lớn nhất King Yuan Electronics nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Công ty King Yuan là nơi tập trung hầu hết ca nhiễm ghi nhận ở thành phố Miêu Lật. Hiện 206 công nhân đã được xác nhận nhiễm tại ổ dịch ở Miêu Lật, hầu hết là lao động nhập cư người nước ngoài như Philippines, Indonesia...

Cùng ngày, khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã ghi nhận ca mắc mới, chấm dứt chuỗi 42 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, ca nhiễm mới này là một thiếu nữ 17 tuổi ở Tin Shui Wai, được chẩn đoán nhiễm biến thể dạng đột biến gen N501Y (biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y).

Đây là một trong 3 đột biến đáng lo ngại nhất của các loại biến thể virus SARS-CoV-2 bởi nó làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Đây là trường hợp đầu tiên mắc đột biến gen N501Y mà không rõ nguồn lây tại Hong Kong. Chính quyền Hong Kong cho biết ca bệnh mới là dấu hiệu cảnh báo của làn sóng bùng phát dịch thứ 5 tại đặc khu này, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân và cộng đồng.         

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Pháp và Nga đang có số ca nhiễm cao nhất, đều hơn 5,1 triệu ca. Trong khi đó, nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Anh với 127.836 ca. Anh và Italy đang có hơn 4,2 triệu ca nhiễm trong khi Đức và Tây Ban Nha có hơn 3,6 triệu ca.         

Tại châu Mỹ, Argentina và Colombia đã có hơn 3,5 triệu ca nhiễm, Mexico hiện có hơn 2,4 triệu ca, trong khi Peru và Chile có hơn 1,4 triệu ca nhiễm. Số ca tử vong tại Mexico đứng thứ ba châu Mỹ (228.754 ca), sau Mỹ và Brazil.         

Châu Phi hiện đã ghi nhận gần 5 triệu ca nhiễm, trong đó 1,6 triệu ca ở Nam Phi. Nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất châu lục, hiện đã lên tới gần 57.000 ca. Châu Đại Dương đã ghi nhận tổng cộng 69.365 ca nhiễm và 1.254 ca tử vong. Australia chiếm gần một nửa số ca nhiễm (hơn 30.000 ca) và chiếm đa số ca tử vong (910 ca).         

Liên quan đến vaccine, theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). 

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Turin, Italy . Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hancock nhấn mạnh rằng những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta. Tháng trước, PHE cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm phòng đủ liều sẽ giúp bảo vệ con người trước cả hai biến thể này. Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang chững lại, rất ít trường hợp nhập viện sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine.       

Ngày 6/6, Bộ Y tế Lào ra thông báo kêu gọi người dân cả nước tiếp tục đi tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 theo đúng hẹn để đảm bảo hiệu quả, trong khi người chưa tiêm mũi đầu tiên có thể đăng ký với cơ quan y tế địa phương để được cung cấp vaccine. Theo quy định phòng dịch mới, người dân ở Viêng Chăn đã tiêm đủ hai mũi vaccine  sẽ được phép đến các tỉnh khác mà không cần phải xin phép hoặc cách ly. Trong khi đó, chính quyền Thái Lan cho biết người dân có thể sẽ có vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự phát triển để tiêm mũi nhắc lại vào năm tới, mặc dù cho tới nay vẫn chưa có loại vaccine nội địa nào vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Hiện 3 loại vaccine mà Thái Lan tự nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do công ty Baiya Phytopharm bào chế, Chula-Cov 19 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm chính phủ (GPO) bào chế chưa thể được sử dụng để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay hoặc giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt vaccine khi chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nước này bắt đầu từ ngày 7/6.

Tuy nhiên,  các nhà nghiên cứu sản xuất vaccine nội địa đã khẳng định công việc nghiên cứu và phát triển vaccine của họ vẫn có thể giúp ích cho những nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn COVID-19 và nâng cao khả năng của đất nước chống lại những căn bệnh như vậy trong tương lai. Về phần mình, Brazil dự kiến sản xuất ít nhất 8 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga mỗi tháng. Việc sản xuất vaccine ở Brazil đã bắt đầu và vaccine sẽ không chỉ được sử dụng ở Brazil mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›