(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Viện Y học quốc gia Italy Silvio Brusaferro ngày 3/3 cho biết Italy đang cân nhắc thiết lập một vùng đỏ cách ly mới gần thành phố Bergamo ở miền Bắc nước này do số ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao tại khu vực.
Chính phủ Italy đã thiết lập 2 vùng đỏ vào ngày 22/2 - một khu vực bao quanh 10 thị trấn tại vùng Lombardy nằm ở phía Đông Nam của thành phố Milan, và một khu vực nhỏ hơn tại vùng Veneto lân cận. Kể từ đó, số ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng ở gần thành phố Bergamo, nằm ở Đông Bắc Milan. Khi được hỏi về việc thiết lập một vùng đỏ mới, ông Brusaferro cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc khả năng đưa ra một biện pháp tương tự như vậy".
Tính đến thời điểm này, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã lên đến 2.502 trường hợp, tăng 466 trường hợp so với ngày 2/3. Số ca tử vong là 79.
- Dịch COVID-19: Số ca nhiễm tại Italy vượt quá 1.000 người
- Dịch COVID-19: Italy xác nhận trường hợp trẻ em đầu tiên nhiễm bệnh
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio ngày 3/3 cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một cuộc khủng hoảng y tế, song cũng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Ngoại trưởng Di Maio nêu rõ: “Vào thời điểm khó khăn này, chúng ta phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động”, song không loại trừ trong những ngày tới, Italy có thể phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn hơn trong hoạt động trao đổi thương mại.
Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Di Maio, Chính phủ Italy đề nghị các nước đã áp đặt lệnh cấm đối với hàng hóa Italy sau khi bùng phát dịch bệnh dỡ bỏ lệnh cấm này. Phát biểu với phóng viên, ông Di Maio cho hay: "Việc cấm hàng hóa là không thể chấp nhận, và việc các nước yêu cầu tem đảm bảo đối với hàng hóa của Italy là không thể chấp nhận. Bộ Ngoại giao Italy đề nghị những nước này dỡ bỏ lệnh cấm".
Trong khi đó, cùng ngày, Cơ quan thống kê Italy (Istat) cho biết tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19, ngoài ảnh hưởng mạnh tới ngành du lịch, sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ kết cấu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ước tính khoảng 3,9 tỷ euro, và có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ đóng cửa.
Theo đó, Istat yêu cầu chính phủ cần nhanh chóng đưa ra can thiệp khẩn cấp đối với các doanh nghiệp nhỏ và lao động tự do, đang chiếm 60% VAT của Italy, khi mà hoạt động thương mại này không thể thiếu trong tiến trình đưa nền kinh tế Italy tăng trưởng trở lại.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp Confesercenti của Italy cho rằng tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ công cộng, và tính đến nay, các quán bar và nhà hàng tại 6 khu vực tâm dịch đã chịu thiệt hại khoảng 212 triệu euro. Trong đó, khu vực Lombardy chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt hại khoảng 85 triệu euro, Veneto ước tính khoảng 44 triệu euro, Emilia-Romagna thiệt hại 37,8 triệu euro và Piedmont gần 25 triệu euro.
Thanh Bình - Hải Linh/TTXVN
Tags