(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/6, tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến trái chiều trên thế giới khi nhiều quốc gia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát dịch bệnh trong khi một số nước vẫn tiếp tục gia hạn các biện pháp phòng chống dịch.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 5/6 (giờ Việt Nam), trên thế giới có 6.747.148 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 394.306 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 3.277.057 người.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi có tới 1.927.646 ca mắc bệnh, trong đó 110.306 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 618.554 ca mắc bệnh và 34.072 ca tử vong; Nga có 449.834 ca mắc bệnh và 5.528 ca tử vong; Tây Ban Nha với 287.740 và 27.133 ca tử vong, Anh ghi nhận 281.661 ca mắc bệnh và 39.904 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Mỹ Latinh gia hạn các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, Argentina quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm 3 tuần, tới ngày 28/6. Trong khi đó, Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ hai tại Mỹ Latinh. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6.
Tại châu Âu, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson ngày 5/6 cho biết EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến bộ trưởng nội vụ các nước trong EU, bà Johansson cho biết phần lớn chính phủ các nước trong EU sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối vào ngày 15/6, song một số nước khác đợi đến cuối tháng này mới làm như vậy. Như vậy mọi hoạt động kiểm soát biên giới giữa các nước EU được dỡ bỏ hoàn toàn vào cuối tháng Sáu. Các nước sẽ xem xét dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại không cần thiết đến EU vào đầu tháng Bảy.
Còn tại CH Séc, chính phủ nước này đã quyết định khai thông hoàn toàn các tuyến đường giữa Séc, Áo và Hungary từ 12h00 (giờ địa phương) ngày 5/6 sau khi tham khảo ý kiến các nước liên quan.
Bên cạnh đó, Chính phủ Séc cũng quyết định, từ ngày 5/6, máy bay từ các quốc gia trong EU có thể hạ cánh tại tất cả các sân bay của nước này với điều kiện kiểm tra dịch tễ học. Mặc dù người dân Séc đã được phép đi du lịch, nhưng cần phải theo dõi thông tin từ các quốc gia mà họ sẽ đến, cũng như tham khảo bản đồ tương tác trên trang web Černín Palace (phân loại vùng du lịch).
Tại Thụy Điển, những người không có triệu chứng mắc bệnh COVID-19 có thể đi lại trong nước từ ngày 13/6 tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, không được phép tập trung đông người, không nên di chuyển khi có triệu chứng mắc bệnh và bất kỳ ai có triệu chứng mà có kế hoạch đi lại cần phải tiến hành xét nghiệm. Chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định trên sau khi số ca mắc bệnh giảm và nhiều khu vực tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Thụy Điển vẫn duy trì các biện pháp hạn chế khác, gồm cấm sự kiện tập trung hơn 50 người và tất cả những khuyến nghị đối với người trên 70 tuổi.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào cuối tuần vốn được áp dụng từ tháng Tư vừa qua để ngăn chặn dịch bệnh lây lan do các lo ngại về tác động kinh tế. Tuy nhiên, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và đảm bảo các quy định vệ sinh dịch tễ. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh trong vài tuần qua, số ca tử vong mỗi ngày đã giảm xuống dưới mức 50.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với 18 quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo công dân nước này hủy bỏ các chuyến đi tới 18 nước gồm Algeria, Cuba, Cameroon, CH Trung Phi, Costa Rica, Eswatini, Gruzia, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Iraq, Jamaica, Liban, Mauritania, Nicaragua, Senegal, Saint Vincent và Grenadines. Như vậy, danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 3 của Nhật Bản sẽ lên tới 129 nước và vùng lãnh thổ. Dự kiến, quyết định này sẽ được Chính phủ Nhật Bản công bố trong phiên họp của Ủy ban Phòng chống dịch COVID-19 vào thời điểm gần nhất.
Một số nước khác ở châu Á ghi nhận số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, trong đó có Ấn Độ và Bangladesh là hai nước có số ca nhiễm trong ngày cao nhất.
- Australia kỳ vọng sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021
- Chiều 5/6 không phát hiện các mắc mới, gần 94% bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi
- Có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Cụ thể, Ấn Độ ghi nhận thêm 9.851 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua - số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở nước này, đưa tổng số người nhiễm trên cả nước lên 226.770, trong đó có 6.348 ca tử vong. Bangladesh cũng là quốc gia Nam Á ghi nhận số ca mắc mới cao trong cùng ngày với 2.828 ca trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 30 ca. Hiện số tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tại nước này lần lượt là 60.391 ca và 811 ca.
Các nước khác ở châu Á như Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc cũng đều công bố số ca nhiễm mới đều gia tăng trong 24 giờ qua.
Minh Châu/TTXVN
Tags