(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/2 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 113.681.055 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.521,.729 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 89.241.544 người, trong khi số người đang phải điều trị là 21.917.782 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 29,055.072 trong đó có 520,877 người tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.068.521 và 156.890 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.393.886 ca nhiễm, trong đó có 251.661 người tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 141.695 ca mắc mới và 3.309 trường hợp tử vong.
Tại châu Á, một tàu Hải quân Mỹ đang hoạt động tại Trung Đông được phát hiện có 12 ca mắc COVID-19, trong khi một tàu khác trong khu vực này đang được xét nghiệm xem có thủy thủ nào bị mắc hay không. Tàu ghi nhận các ca mắc là tàu USS San Diego hiện đang ở cảng tại Bahrain, có khoảng 600 thủy thủ và lính thủy đánh bộ. Tàu tuần dương mang tên lửa USS Philippine Sea chở theo khoảng 380 lính thủy dự kiến sẽ cập cảng để xét nghiệm thêm.
Trong khi đó, Iran công bố lệnh cấm đi lại đối với 4 tỉnh và 7 thành phố do dịch COVID-19 lây lan. Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận 94 tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 59.830 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8.206 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 1.607.081 người. Hiện 11 khu vực đang ở mức báo động đỏ - mức cao nhất trong thang xếp hạng nguy cơ theo màu của Iran. Trong khi đó, 31 khu vực duy trì mức báo động cam và 406 khu vực khác ở mức màu vàng hoặc xanh lam - mức nguy cơ thấp.
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã cải thiện đáng kể nhờ áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ trước biện pháp này ở 6 trong số 10 tỉnh, thành, từ ngày 28/2. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế vẫn tỏ ra thận trọng về những diễn biến của dịch COVID-19 ở nước này. Trong cuộc họp gần đây, các chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhận định số lượng ca nhiễm mới đã giảm sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, nhưng tốc độ giảm đã chậm dần kể từ giữa tháng 2. Các bệnh viện vẫn đang chịu áp lực cho dù không lớn như trước đây. Vì vậy, họ khuyến nghị cần tiếp tục nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần trong bối cảnh các ổ dịch COVID-19 vẫn xuất hiện rải rác trên khắp cả nước. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhận định các ổ dịch rải rác đang liên tục bùng phát, đồng thời lưu ý nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại vào tuần tới. Ông kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội của chính phủ, bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế trong trường hợp nước này lại đối mặt với làn sóng dịch mới.
Tại Đông Nam Á, theo Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 44 ca nhiễm mới, trong đó có 40 trường hợp liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoài công dân Campuchia, còn có công dân Malaysia và Việt Nam ở độ tuổi từ 19 đến 39. Đến nay, Campuchia đã có tổng số 741 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp đã bình phục và không có ca tử vong.
Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Thái Lan ngày 26/2 thông báo có thêm 45 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), Thái Lan hiện có tổng cộng 25.809 ca nhiễm, trong đó 23.056 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh. Đến nay, 24.952 người đã bình phục và 774 ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Số người không qua khỏi do COVID-19 tại Thái Lan là 83 người.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cho biết nước này có thêm 2.651 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn 4 tháng qua, và 46 ca tử vong do COVID-19. Theo cơ quan này, hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã tăng lên lần lượt là 571.327 ca và 12.247 ca.
Philippines, quốc gia có số ca bệnh cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần này, theo đó cho phép khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.
Đáng chú ý, số ca nhiễm mới trong ngày của Papua New Guinea đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, và dịch COVID-19 đã lan đến cả những vùng sâu vùng xa, nơi có hạ tầng y tế nghèo nàn. Cụ thể, có tổng cộng 89 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 25/2, nâng tổng số ca nhiễm ở Papua New Guinea lên 1.228 ca. Mặc dù Papua New Guinea dường như không thuộc nhóm chịu tác động tồi tệ nhất từ đại dịch, nhưng tại nước này đang xuất hiện một số ổ dịch đáng lo ngại ở một số tỉnh trong khi hoạt động xét nghiệm virus chưa được tiến hành rộng rãi. Nước này đến nay mới xét nghiệm cho 50.000 người trong số 9 triệu dân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo "số ca nhiễm có xu hướng cao hơn tại các tỉnh tăng xét nghiệm".
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 được dự báo sẽ tăng mạnh trong 2 tuần tới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này có thể xem xét siết chặt các biện pháp hạn chế.Với dân số khoảng 10 triệu người, Hungary đã ghi nhận 414.514 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 14.672 ca tử vong do COVID-19. Số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng thêm 4.385 ca vào ngày 25/2, mức cao nhất theo ngày trong năm nay. Chính phủ Hungary đã kéo dài lệnh phong tỏa một phần cho đến ngày 15/3 tới. Toàn bộ các trường trung học, khách sạn đã đóng cửa kể từ ngày 11/11/2020, trong khi các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang về.
Trong khi đó, Pháp cũng đang xem xét đề xuất áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter ngày 26/2, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal khẳng định chính phủ sẽ cân nhắc kế hoạch này, dù bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của việc áp đặt lệnh phong tỏa trong thời gian ngắn như vậy. Giới chuyên gia y tế đánh giá Pháp sẽ không thể tránh được việc áp đặt các biện pháp phong tỏa mới do số ca mắc COVID-19 đang tăng lên và tình hình bệnh viện tại Paris đang rất căng thẳng.
Trái ngược với Hungary và Pháp, giới chức Anh đã hạ mức cảnh báo về virus SARS-CoV-2 từ mức 5 xuống mức 4 do số ca mắc giảm đã phần nào giảm thiểu mối đe dọa đối với Cơ quan Y tế quốc gia (NHS). Các quan chức y tế hàng đầu của Vương quốc Anh và Giám đốc Y tế NHS vùng England cho biết đã nhất trí thực hiện sự điều chỉnh trên trong bối cảnh các ca mắc "đã liên tục giảm" và không còn nguy cơ cao NHS "bị quá tải trong vòng 21 ngày".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ lạc quan các biện pháp hạn chế để chống dịch sẽ được dỡ bỏ vào ngày 21/6 tới khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 giúp giảm mạnh số ca mắc, nhập viện và tử vong.
Theo thống kê, tới nay, Anh đã chủng ngừa mũi vaccine đầu tiên cho hơn 18 triệu người.
Không chỉ Anh, các nước châu Âu vẫn tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine nhằm đẩy lui dịch COVID-19. Tây Ban Nha đã sử dụng sân vận động Wanda 68.000 chỗ ở thủ đô Madrid thành trung tâm tiêm chủng cho nhóm đối tượng là nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và bảo vệ dân sự. Khoảng 1.000 người đã được mời tới trung tâm này tiêm chủng. Kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 12/2020, đến nay Tây Ban Nha đã tiêm chủng cho 1,2 triệu người dân nước này. Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, sử dụng 47 triệu liều vaccine vào cuối mùa Hè tới.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden bày tỏ vui mừng khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này đã hoàn thành 50% mục tiêu chỉ trong khoảng 1/3 thời gian đã đề ra. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi người dân duy trì đeo khẩu trang, cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh lây lan. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ đang đi đúng hướng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vào ngày nhậm chức 20/1, ông cam kết tiêm chủng 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức và đây là mục tiêu mà Nhà Trắng hiện nay đánh giá sẽ "dễ dàng đạt được". Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đến cuối tháng 7 tới, nước này sẽ có đủ vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người lớn tuổi tại nước này.
TTXVN
Tags