(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 21h30 ngày 22/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 58.643.152 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.388.998 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 40.602.314 người. Hiện vẫn còn 102.445 bệnh nhân COVID-19 đang ở tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với 261.841 ca tử vong trong tổng số 12.457.447 ca mắc. Đứng sau Mỹ trong danh sách các nước chịu tổn thất nhất là Brazil với 169.016 ca tử vong trong số 6.052.786 ca mắc COVID-19. Ấn Độ có 133.385 ca tử vong trong 9.107.622 ca mắc.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 22/11 ghi nhận thêm 330 ca nhiễm mới, trở thành ngày thứ năm liên tiếp có số ca nhiễm trong ngày vượt trên 300 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 30.733 ca, trong đó có 505 ca tử vong.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội đối với vùng thủ đô Seoul và khu vực Đông Nam. Cụ thể, mức giãn cách xã hội cấp độ 2, mức cao thứ ba trong hệ thống cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp ở nước này, sẽ được áp dụng tại vùng thủ đô Seoul, trong khi tỉnh North Jeolla và South Jeolla sẽ ở cấp độ 1,5 trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 24/11. Theo cấp độ 2, các cuộc tụ tập từ 100 người trở lên sẽ bị cấm, trong khi những cơ sở có xu hướng dễ lây nhiễm như câu lạc bộ ban đêm... đều phải ngừng hoạt động. Các nhà hàng chỉ được phép phục vụ cho đến 21h với dịch vụ giao đồ ăn tận nhà hay cho khách hàng tự mang về. Các cơ sở thể thao trong nhà như phòng tập thể dục, câu lạc bộ bida phải ngừng hoạt động sau 21h, các sự kiện thể thao chỉ được phép có số người tham dự ở mức 10% sức chứa tối đa...
Theo cấp độ 1,5, người dân vẫn được phép tiến hành các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh và người dân được yêu cầu tuân thủ các quy định phòng dịch đã được siết chặt.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết nước này sẽ áp đặt trở lại mức hạn chế số người tham dự sự kiện thể thao hay các sự kiện lớn khác nhằm kiềm chế dịch COVID-19 đang lây lan mạnh. Mức giới hạn sẽ được áp dụng tại những vùng có số ca nhiễm tăng mạnh. Nhật Bản ngày 22/11 ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 2.596 trường hợp. Riêng tại Tokyo, số ca nhiễm là 539.
Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc duy trì đà tăng. Tại Nga, tổng số bệnh nhân COVID-19 là 2,08 triệu ca (sau khi có thêm 24.581 ca nhiễm mới), trở là nước có số ca nhiễm cao thứ hai châu Âu sau Pháp (2,12 triệu ca). Đức có thêm 15.741 ca nhiễm trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 ở nước này là 918.269. Bulgaria ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp 3 lần trong gần 4 tuần qua, lên 120.697 ca (tính đến sáng 22/11).
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa đã công bố lệnh cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ sắp tới là Ngày Khôi phục độc lập (1/12) và Ngày của Mẹ (8/12). Lệnh cấm tự do đi lại có hiệu lực từ ngày 28/11 đến ngày 2/12 và từ ngày 4/12 đến ngày 9/12, nằm trong một loạt biện pháp mới trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ Bồ Đào Nha dự kiến khôi phục và có hiệu lực từ ngày 24/11 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong số các biện pháp mới có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy vào ngày 30/11 và 7/12, trước thềm 2 ngày lễ trên.
Tại Đức, các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh phong tỏa từng phần trong vòng 1 tháng, áp dụng từ ngày 2/11 nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai sắp hết hạn. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh hiện nay cho thấy các biện pháp hạn chế đang được áp dụng cần được gia hạn sau ngày 30/11. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) ở bang Bavaria, ông Markus Soeder cho rằng các biện pháp đang được triển khai cần được gia hạn 3 tuần, tức đến ngày 20/12.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trong cuộc chiến cấp bách chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
- Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn căng thẳng
- Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới, 25 bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2
- Dịch COVID-19: Đưa 290 công dân Việt Nam từ Cộng hòa Séc về nước
Trong khi đó, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp một loại kháng thể tổng hợp do công ty công nghệ sinh học Regeneron bào chế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Loại kháng thể tổng hợp này kết hợp 2 kháng thể mạnh kiểm soát lây nhiễm, qua đó bệnh nhân không cần phải thăm khám y tế nhiều trong thời gian mắc bệnh. Kháng thể của Regeneron chỉ được sử dụng điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và có nguy cơ cao bệnh diễn biến nặng hơn. Có bằng chứng kháng thể này có tác dụng tốt nhất vào giai đoạn đầu mắc bệnh, trước khi virus lan ra toàn cơ thể. Kháng thể của Regeneron không được dùng cho những người đã nhập viện hoặc phải sử dụng máy trợ thở.
Minh Châu/TTXVN
Tags